Khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

9/6/2021

Việc định hướng trong xây dựng và ban hành “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ở Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng, nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động bất lợi tới tài nguyên, môi trường biển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế biển gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ. Tài nguyên và lợi thế do biển mang lại hứa hẹn nhiều triển vọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Những năm qua Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển. Mục tiêu trọng tâm của các chủ trương, chính sách đó là: Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước. Thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Qua đó, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương…
 
Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương có biển đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn chậm; còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, xuất hiện các thách thức trong tình hình mới đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục kịp thời và mang tính tổng thể, dài hạn...
 
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là sớm xây dựng, ban hành một Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này cần được xây dựng dựa trên quy định của các Luật: Biển Việt Nam; Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch…, nhất là phải hiện thực hóa, cụ thể hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển. Do vậy, định hướng xây dựng chiến lược cần phải bám sát vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể:
 
Về các quan điểm chủ yếu của chiến lược: trước hết phải khẳng định, tài nguyên và môi trường biển có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển; là nguồn lực đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái tự nhiên và xã hội, giữa bảo tồn và phát triển, giữa khai thác và hưởng lợi, nhất là bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân và nâng cao sinh kế của cộng đồng…
 
Về các mục tiêu tổng quát: cần xác định rõ tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu; cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái biển và ven biển được duy trì và phục hồi; hệ thống chính sách, pháp luật và thể chế về quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên, BVMT biển và hải đảo được củng cố và hoàn thiện, phục vụ hiệu quả cho phát triển bền vững kinh tế biển. Điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, từng bước phát triển hiện đại, cập nhật, cơ bản cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, cảnh báo, phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
 
Về các nhóm nhiệm vụ chủ yếu: cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách (bao gồm quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT vùng bờ). Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung như: khẩn trương xây dựng, phê duyệt ban hành các văn bản làm cơ sở cho quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo tại T.Ư và địa phương. Điều tra cơ bản và phát triển năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của BĐKH; bảo tồn và tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái biển và hải đảo trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT biển…
 
Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi được ban hành sẽ tạo động lực, hành lang chính sách giúp các bộ, ngành, các địa phương có biển triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả và bền vững, phù hợp bối cảnh, tình hình mới trong khu vực và trên thế giới hiện nay.

nhandan.vn
Thống kê truy cập