Lời hứa thành hiện thực

21/5/2015

Năm 2012, khi bắt đầu khởi động việc mở rộng nâng cấp QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14), nhiều người bày tỏ quan ngại sâu sắc về “số phận” các dự án này.

 
d06ql
 

  Đơn giản bởi trước đó, chậm tiến độ trở thành căn bệnh trầm kha của phần lớn các dự án giao thông, bất kể là công trình dùng vốn nào, ODA hay ngân sách. Nguy cơ khiến các dự án này “lụt” tiến độ còn hiện hữu hơn bởi khi đó nguồn vốn chưa thu xếp xong, công tác GPMB đặc biệt phức tạp do nằm trên tuyến huyết mạch quốc gia, lưu lượng giao thông rất lớn và trải dài qua nhiều địa phương.

  Dù khó khăn như vậy nhưng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 12/2013, khi Quốc hội chính thức thông qua Đề án mở rộng QL1, QL14 và nhiều kỳ họp sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vẫn cam kết hoàn thành đúng và vượt tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội. Người đứng đầu ngành GTVT chia sẻ, chưa khi nào có một dự án giao thông nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đến vậy. Lần đầu tiên một dự án giao thông được ghi vào nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và nhiều lần đưa vào các nghị quyết của Chính phủ. Có đến ba Phó Thủ tướng được giao trực tiếp phụ trách dự án này. Dự án cũng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ lớn từ người dân cả nước. Do vậy, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng phải tập trung trí tuệ, triển khai với tinh thần cao nhất, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

  Hôm nay (20/5), Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Và chỉ sau một năm rưỡi, lời hứa của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dần trở thành hiện thực. Mục tiêu Bộ GTVT đặt ra là phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng QL1, QL14 vào 31/12/2015, sớm một năm so với nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án thành phần đã xong trước thời hạn, tiêu biểu là đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Dự kiến ngay trong tháng 6/2015, 6 dự án khác trên tuyến QL1 và 10 dự án trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng sẽ đồng loạt thông xe, đưa vào khai thác.

  Để có được kết quả vượt ngoài mong đợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể không nhắc đến sự năng động, sáng tạo “trong cái khó, ló cái hay” từ chủ trương quyết liệt thực hiện kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT. Trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn hẹp, vốn dành cho hạ tầng thiếu trầm trọng, con số 180 ngàn tỷ đồng mà ngành GTVT thu hút từ xã hội có ý nghĩa vô cùng lớn và có thể ví như “phép màu” để tạo đột phá thực sự trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đưa đất nước tiến lên hiện đại mà Nghị quyết 13 đã đề ra. 

Nguồn: Báo Giao Thông
Thống kê truy cập