​Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh những năm tháng vĩ đại

19/5/2015

Đường Trường Sơn - con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại của nó trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trong suốt 16 năm (1959 - 1975). Đó là con đường giải phóng, "con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường Nam - Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai rộng mở của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương" như lưu bút của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Những kỳ tích mà cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã lập nên, mãi mãi đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất tử muôn đời.

Núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, là hồn thiêng sông núi của đất nước Việt Nam đã làm điểm tựa vững chắc cho dân tộc ta sáng tạo độc đáo, làm nên con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử và được ghi vào những trang sử vàng son của đất nước. Nhớ lại, sau chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" ngày 7/5/1954. Sau đó Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (ngày 21/7/1954) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp và can thiệp của Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và bán đảo ĐôngDương.

Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn năm 1960.

Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải (cầu Hiền Lương), huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trở thành ranh giới chia cắt hai miền Nam – Bắc. Một nửa đất nước được giải phóng, một nửa đất nước sống oằn mình trước âm mưu xâm lược thâm độc của đế quốc Mỹ và chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam, đã lên đến đỉnh cao về mức độ khốc liệt, cũng như tính chất man rợ của chúng, đặt các lực lượng miền Nam và Chính phủ miền Bắc trước một sự lựa chọn khắc nghiệt.

Giai đoạn từ năm 1959, cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông liên lạc, chi viện từ Bắc vào Nam. Để kịp thời đối phó với tình hình và lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống lại chế độ đế quốc tay sai Mỹ - Diệm, Đảng ta đã có quyết sách kịp thời đó là tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 15 mở rộng (ngày 13/01/1959) để bàn về chiến lược cách mạng, tập trung giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Hội nghị chỉ rõ: “Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”.

Sau Hội nghị Trung ương 15 và thực hiện Nghị quyết này, Tổng Quân ủy Trung ương đã họp bàn về việc xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam và chuẩn bị tìm cách đưa một số bộ phận quân đội cùng với vũ khí đạn, dược, vật tư... vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn, tránh sự kiểm soát, phát hiện của địch. Ngày 19/5/1959 Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập "Đoàn quân sự đặc biệt" (sau đó gọi là Đoàn 559) có nhiệm vụ mở xuyên đường Trường Sơn vào Nam. Cũng chính từ đây - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành, là mạch máu giao thông quan trọng, góp phần quyết định sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Điều đáng nói ở Trường Sơn, bình quân cứ 200m có một dốc cao, 15m có có một đèo cao, 200m có một dòng suối nhỏ, 2km có một con suối lớn và cứ 20km lại có một dòng sông nhỏ chảy xiết.... Vì vậy, một quyết định lịch sử “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Lực lượng ban đầu tham gia mở đường Trường Sơn “quân đi tính từng người, hàng chuyển tính từng cân” (gồm 500 cán bộ chiến sĩ), do Thượng tá Võ Bẫm chỉ huy. Điểm đầu tuyến đường là khu rừng Khe Hó - Bãi Hà, Gio Linh, Quảng Trị - điểm khởi đầu cho một trận đồ bát quái giữa đại ngàn Trường Sơn. Lúc đầu, đường Trường Sơn là con đường mòn đi dọc phía đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, luồn lách qua hàng rào đồn bót của địch, Đoàn 559 vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân, với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa. Sau một thời gian "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" con đường ngày một nối dài, vượt xa với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; các tuyến vận tải của các chiến trường thuộc 3 nước Đông Dương, đã tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc.


Đồng bào Vân Kiều (Quảng Bình) cung cấp lương thực dọc đường cho bộ đội Trường Sơn.

Quá trình xây dựng, phát triển con đường chiến lược Trường Sơn trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Từ khi tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành, thì sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng tăng lên. Tính từ tháng 8/1959 cho đến cuối năm 1964, những chuyến hàng đầu tiên từ hậu phương miền Bắc qua đôi vai các chiến sĩ đã vượt Trường Sơn vào tuyến lớn miền Nam với 3.000 tấn vũ khí, hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ được đưa vào tăng cường cho cách mạng miền Nam và cùng với quân dân miền Nam làm nên hàng loạt các trận đánh hiểm hóc như: Tua Hai, Ấp Bắc, Bình Giã… đã làm cho đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn rúng động.

Về phương thức ta vẫn lấy vận tải thô sơ, gùi thồ là chính, kết hợp với vận tải cơ giới ở từng khu vực, tận dụng những đoạn đường sông thuận lợi để vận tải đường thủy. Từ năm 1965 đến 1972, đường Trường Sơn phát triển mạnh mẽ, tiến lên cơ giới hóa toàn tuyến vận tải quân sự. Từ năm 1965 - 1968, đã có 30 vạn cán bộ chiến sĩ miền Bắc theo tuyến đường Trường Sơn vào các chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại “Chiến tranh cục bộ của Mỹ”.

Năm 1969, Mỹ tăng cường ngăn chặn, đánh hệ thống đường Trường Sơn, cho đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mỹ đã tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất nhằm triệt phá con đường chiến lược này, nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc. Mỹ tăng cường không quân lên gấp 2 lần so với năm 1968. Chủ trương của ta lúc này là giữ các đường 12, 20, 16, 18 và mở thêm các đường vòng tránh.

Cùng với việc mở đường Hồ Chí Minh trên bộ, Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tiếp tục mở đường Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 23/10/1961. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển và làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.


Những xe pháo hùng hậu, ngày đêm nối đuôi nhau vận chuyển vũ khí,
lương thực trên các ngã đường Trường Sơn vào mặt trận miền Nam

Như vậy, trong suốt 16 năm hoạt động (1959 - 1975), đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, là khúc ruột, là huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, nó không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược, mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình trong 16 năm (1959 - 1975), đặc biệt từ sau năm 1964 đường Trường Sơn như một trận đồ bát quái vươn ra các chiến trường bằng mọi ngã.

Các đơn vị bộ đội và thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn gian lao, khó khăn, thử thách, dũng cảm, kiên cường chống trả các cuộc oanh tạc tàn khốc của Mỹ - Ngụy. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành bản thiên anh hùng ca bất tử. Nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả: “Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng/ Trường Sơn vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngã, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình".

Mùa khô năm 1970, tuyến đường ống xăng dầu từ miền Bắc vào tận miền Nam bắt đầu hoạt động. Nếu như năm 1969 đã có 2 vạn tấn hàng hóa đã được vận chuyển vào miền Nam, thì năm 1970 là 4 vạn tấn, năm 1971 lên tới 6 vạn tấn. Và vào đầu năm 1971, toàn bộ lực lượng chiến đấu trên mặt trận đường 9 - Nam Lào đã lên tới 6 vạn người đã theo đường Trường Sơn an toàn, đúng thời gian quy định. Từ năm 1973 - 1975, sau chiến thắng đường 9 - Nam Lào, tuyến đường Trường Sơn hoàn toàn thông suốt, tiếp tục vận chuyển nguồn chi viện to lớn từ miền Bắc vào miền Nam, phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho cuộc Tổng tiến công trên toàn miền Nam.

Đến cưối năm 1974, Chính phủ ta đã tập trung lớn vào việc nâng cao chất lượng hệ thống, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới thêm đường Trường Sơn, để xe ôtô có thể vận chuyển đưa quân cho các chiến trường miền Nam và hoạt động bình thường cả mùa khô, mùa mưa. Đường đông Trường Sơn đã nối liền với Lộc Ninh; đường tây Trường Sơn được nắn thẳng tuyến tới ngã ba biên giới, rồi qua các kênh rạch vùng Đồng Tháp Mười, qua tuyến đường 1C đến Hòn Đất - Kiên Giang nối liền với tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển của Đoàn 759.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử, tính đến đầu năm 1975 với trí, lực của hàng triệu khối óc, con tim, ta đã xây dựng được tổng chiều dài con đường gần 20.000 km bao gồm 5 hệ thống trục dọc dài 6.810 km, 21 hệ trục ngang dài 5.000 km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700 km, một hệ thống đường vòng tránh dài 4.700 km. Dọc theo đường Trường Sơn có hệ thống đường dẫn ống xăng dầu tổng chiều dài 1.399 km, 101 trạm bơm bảo đảm dự trữ và cấp phát đủ xăng dầu cho các binh chủng kỹ thuật hành quân vào các mặt trận miền Nam; 1.350 km đường dây hữu tuyến liên lạc và thiết bị tiếp sức, tổ chức hành quân đi bộ và cơ động bằng cơ giới hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào ra chiến trường, vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam được hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, phương tiện phục vụ chiến tranh.... Điều thần kỳ của những người con đường Trường Sơn đã tận dụng sự cấu tạo đặc biệt của thiên nhiên, kết hợp với sự sáng tạo độc đáo của mình, làm nên tuyến đường Trường Sơn có 3.140km đường che kín, cho xe ô tô hoạt động cả ngày - đêm che mắt quân thù trong điều kiện đánh phá ác liệt của máy bay địch.


Đoàn xe vận tải hùng hậu và quân đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn.

Có thể nói, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử nằm trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, với lá đổ ào ào, với bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa, đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, thể hiện về quy mô, tính chất, cường độ hủy diệt mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành suốt 16 năm từ (1959-1975). Nhưng con đường Trường Sơn huyền thoại, lạ kỳ này đã giúp cho các chiến sĩ Trường Sơn ta với các xe pháo hùng hậu, ngày đêm hối hả nối đuôi nhau trên các ngã đường thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ đã tiêu diệt 16.000 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay các loại của địch, trong đó có cả pháo đài bay B52... Ta càng đánh càng thắng, để rồi tất cả cùng nhau tiến về Sài Gòn quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tiến công Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

 Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn thời hoa lửa ấy, đã chịu nhiều tổn thất về người và phương tiện vật chất, có hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở tuổi thanh xuân nằm lại với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ; hơn 3 vạn người đã đã bỏ lại một phần thân thể của mình nơi đại ngàn Trường Sơn; 14.500 xe máy, 703 súng, pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa bị địch phá hủy. Những ai đã từng ở Trường Sơn, không thể nào quên được những tháng năm trên dãy Trường Sơn, với chiếc gậy Trường Sơn là bạn “tri kỷ” để chống trơn, là điểm tựa vững chắc trong những cuộc hành quân qua những cánh rừng bom xới, những con đường bom chồng lên bom chi chít, những công binh kiên cường mải miết san đường, để đêm đêm xe thẳng hướng chiến trường, để “Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn/... Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình…”. Và ai chỉ một lần có mặt ở đường Trường Sơn, hẳn cũng sẽ hiểu rõ sự hy sinh, mất mát và sức chịu đựng vô bờ bến của một dân tộc đã trả giá như thế nào cho ngày chiến thắng. Những chiến sĩ Trường Sơn đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình mà lòng phơi phới dậy tương lai cho Tổ quốc thân yêu, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước; những người con anh dũng của Tổ quốc, đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử con đường huyền thoại - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, sẽ luôn thấm đậm trong tâm hồn mỗi chúng ta lòng kính trọng; tên các anh, các chị  trở thành tên đất nước, máu thịt các anh, chị trở thành tượng đài bất diệt, đẹp mãi trong lòng các thế hệ dân tộc Việt Nam.

 Đường Trường Sơn huyền thoại anh hùng, con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, là một sự sáng tạo độc đáo về chiến lược của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đường huyền thoại thống nhất Bắc - Nam, là con đường liên minh đoàn kết và chiến đấu thắng lợi của 3 nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia. Đến bây giờ vẫn chưa giấy bút nào có thể diễn tả hết lòng dũng cảm vô song, sự hy sinh cao cả, trí thông minh tuyệt vời ... của những con người đã sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại - tuyến vận tải chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nếu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là một thiên huyền thoại, thì đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động nhất của huyền thoại ấy, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, đúng như lời bình của một nhà báo người Pháp viết trên tờ Le Figaro năm 1971: "Con đường Hồ Chí Minh trở thành câu chuyện thần thoại ở Đông Dương chính con đường mòn đã quyết định hòa bình hay chiến tranh. Quân đội mạnh nhất thế  giới đã không làm gì được con đường này. Cái máy bay không lồ B52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, là con rắn trăm đầu luôn mọc lại".

Năm 2015, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước  (30/4/1975 - 30/4/2015); 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015). Đặc biệt, ngày 19/5/1959 cũng là ngày Đảng ta quyết định mở đường Trường Sơn - con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại kính yêu của dân tộc; dịp này để dân tộc ta ôn lại truyền thống và kỷ niệm 56 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại - đường Hồ Chí Minh lịch sử (19/5/1959 - 19/5/2015). Con đường mà ở đó mỗi mét đường, mỗi cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã mãi mãi nằm xuống nơi đây; với lớp lớp những người con thân yêu từ khắp mọi miền của Tổ quốc đã không ngại hy sinh, gian khổ cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc, để đất nước được độc lập, dân tộc được tự do và hát vang khúc ca khải hoàn đất nước trọn niềm vui trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong bản trường ca chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh của thế kỷ XX, sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng với lịch sử của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Chúng ta tự hào về đường Trường Sơn huyền thoại và anh hùng, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, nhất là trong giai đoạn hiện nay, đường Trường sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa lại một lần nữa mang sứ mệnh lịch sử mới - đường Trường Sơn trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới; đường Trường Sơn chính thức trở thành một tuyến quốc lộ Bắc - Nam hiện đại, phục vụ cho khát vọng vươn lên của dân tộc, sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, con đường phồn vinh, ấm no cho Tổ quốc.



 

Văn Thanh - http://www.bentre.gov.vn

Thống kê truy cập