Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang trong giai đoạn thi công nền đường nhưng gặp khó khăn vì giá cát tăng gần 200% - Ảnh: Phan Tư
Giá “cắt cổ”, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng
Những ngày gần đây, nhiều gói thầu trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành gặp nhiều khó khăn trong công tác thi công do nguồn cung cát khan hiếm, giá tăng đột biến. Đại diện nhà thầu Trung Chính thi công gói thầu A2-1 cho biết, gói thầu đã thi công được hơn 50% phần nền. Để hoàn thành toàn bộ phần nền của gói thầu này, cần khoảng 80.000m3 cát nữa. “Thế nhưng, phần còn lại không hề dễ mua và chúng tôi đang đau đầu vì nguồn cát rất khan hiếm. Trước đây, cát làm nền có giá 120.000 đồng/m3, giờ đã tăng lên trên 200.000 đồng/m3 nhưng vài ngày mới có một sà lan cung cấp”, nhà thầu này than.
Tương tự, là gói thầu A1 do Liên danh Hala (Hàn Quốc) - Vinaconex EC thi công. Với chiều dài 7,3km, gói thầu này cần khoảng 720.000m3 cát để thi công móng, nền đường. Hiện, nhà thầu đã thi công được 46% khối lượng với khoảng 600.000m3 cát, còn lại khoảng 120.000m3. Theo anh Nguyễn Ngọc Sơn, quyền Giám đốc dự án gói thầu A1, trước đây giá cát đưa về công trường chỉ từ 115.000 - 118.000 đồng/m3 đã bao gồm thuế VAT. Hiện, giá tăng lên 145.000 đồng/m3 chưa bao gồm thuế VAT, nhưng phải 4 ngày mới có một sà lan khoảng 1.000m3 về.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của dự án, Tổng công ty Cửu Long đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét có ý kiến với UBND các tỉnh trong khu vực dự án, tạo điều kiện tăng công suất khai thác các mỏ cát đáp ứng nhu cầu thi công dự án.
|
Anh Sơn cho biết, gói thầu này đang rất cần cát cho việc thi công gia tải, móng đường đoạn đầu tuyến, nơi nút giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nhà thầu đã tìm mọi cách xoay xở, liên hệ với các đầu mối cung cấp cát khác nhưng không có. Nhà thầu vẫn tiếp tục thi công theo nguồn cát ít ỏi được cung cấp nhưng tiến độ của gói thầu đang bị chậm. “Nguồn cát khan hiếm bắt đầu từ 2 tháng nay, ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Theo tính toán sơ bộ, tiến độ gói thầu đã chậm ít nhất 1 tháng so với kế hoạch. Cùng đó, phương án tài chính của nhà thầu cũng bị ảnh hưởng vì thời điểm đấu thầu, giá cát chỉ khoảng 100.000 đồng/m3. Chúng tôi đang cùng các nhà thầu khác có văn bản kiến nghị lên chủ đầu tư để có hướng hỗ trợ”, anh Sơn nói.
Chính thức triển khai xây dựng từ tháng 7/2016, dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được kỳ vọng sau khi hoàn thành cùng với dự án kết nối trung tâm Đồng bằng Mê Kông tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến nay, dự án đang đối mặt với không ít khó khăn khi giá cát tăng đột biến, nhà thầu phải thi công cầm chừng, khiến mục tiêu đưa công trình vào khai thác cuối năm 2018 đang bị đe dọa.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM - đại diện chủ đầu tư) cho biết, công trình đang bước vào giai đoạn triển khai đắp nền đường, nhu cầu sử dụng cát rất lớn nhưng nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, nhà thầu tìm mọi cách xoay trở vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công. “Không chỉ riêng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, một dự án khác do Cửu Long CIPM đang triển khai là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu cát trầm trọng để phục vụ thi công”, ông Toan nói và cho biết, giá cát tại khu vực Tây Nam bộ đang tăng rất cao, nhưng cũng không đủ trữ lượng phục vụ thi công các dự án.
Theo ông Toan, qua khảo sát, tổng trữ lượng cát tại các mỏ ở khu vực Tây Nam bộ được cấp phép khai thác khoảng 2,25 triệu m3/năm, trong khi đó nhu cầu sử dụng từ 8 - 10 triệu m3/năm, riêng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là 2 triệu m3 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 3 triệu m3. “Trữ lượng cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế. Chúng tôi tính toán, riêng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trong vòng 10 tháng phải huy động 2 triệu m3 cát, bình quân mỗi ngày khoảng 6.000 - 7.000m3, nhưng thực tế chỉ đạt được 1.000 - 2.000 m3/ngày”, ông Toan nói và cho biết, nguồn vật liệu cát bị thiếu hụt khiến công tác thi công của các nhà thầu phải cầm chừng. Khối lượng thi công của dự án đến nay đạt khoảng 15%, chậm khoảng 2,5% so với kế hoạch đề ra.
Chấp nhận lỗ vẫn không có cát
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, việc nguồn cung thiếu hụt đã kéo theo giá cát tại khu vực Tây Nam bộ bị “thổi” lên rất cao, trong khi nhiều địa phương chưa ban hành thông báo giá, hoặc có thông báo giá nhưng không theo kịp giá cát thực tế làm tăng thêm khó khăn cho các nhà thầu.
“Theo thông báo giá của tỉnh Tiền Giang trong tháng 3/2017, giá cát vàng là 200 - 250 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế các nhà thầu đang phải mua với giá 400 - 500 nghìn đồng/m3 mà vẫn không đủ cát để mua”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ đề nghị các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ sớm ban hành thông báo giá trên cơ sở cập nhật, điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế.
“Hiện nay, các nhà thầu thi công tại hai dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị thua lỗ vì giá cát thực tế cao hơn nhiều so với giá bỏ thầu, hơn nữa, thời gian vận chuyển vật liệu kéo dài làm tăng chi phí vận tải. Vừa qua, Cửu Long CIPM đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thống kê xem xét biến động về giá và cập nhật các chỉ số về giá vật liệu cho chuẩn xác. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị UBND các tỉnh khu vực Tây Nam bộ sớm đưa ra thông báo giá cát sát với thực tế, nếu không sẽ không có cơ sở để điều chỉnh bù giá cho các nhà thầu”, ông Nguyễn Ngọc Toan cho biết.
Ông Toan cho biết thêm, trước đây mỗi sà lan chở cát có thể quay đầu trong 3 ngày, nhưng hiện tại phải mất 7-10 ngày do các mỏ cát còn phải cung cấp cho nhiều dự án khác. “Các nhà thầu đã chấp nhận đặt tiền trước, chấp nhận lỗ và mua cao hơn giá hợp đồng để đẩy tiến độ, nhưng không thể mua được đủ khối lượng theo nhu cầu”, ông Toan nói.
Đình Quang - Phan Tư