Phấn đấu hoàn thành 1.300km đường cao tốc Bắc - Nam trong nhiệm kỳ nhưng phải đặt lợi ích người dân lên hàng đầu

30/6/2016

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp về Đề án đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2020, chiều nay (29/6). Đây cũng là cuộc họp của lãnh đạo Bộ GTVT ngay sau thời gian của Hội nghị đánh giá 5 năm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP mới được Bộ GTVT tổ chức (7/6), tại Hội nghị, Bộ GTVT đã nhận được rất nhiều chỉ đạo, góp ý của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành và doanh nghiệp cũng như các cơ quan truyền thông về ưu, nhược điểm cũng như phương án tối ưu cho các hình thức đầu tư này. Cuộc họp chiều nay do đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì nhằm xây dựng một Đề án đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2020 một cách hiệu quả nhất. Cùng dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ.

 Bộ trưởng yêu cầu tập trung hoàn thành 1.300km đường cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng yêu cầu tập trung hoàn thành 1.300km đường cao tốc Bắc - Nam

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 31 tuyến, với tổng chiều dài 6.411km.

Cụ thể bao gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối các vùng kinh tế từ Bắc đến Nam (2 tuyến, chiều dài 3.083km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc (14 tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội, chiều dài 1.368km); hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên (3 tuyến, chiều dài 264km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam (7 tuyến, chiều dài 983km) và đường Vành đai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (5 tuyến, chiều dài 723km).

Về tình hình đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vụ trưởng Nguyễn Hoằng cho biết, hiện đã đưa vào khai thác 4 tuyến, tổng chiều dài 171km (Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km); các tuyến đang triển khai thi công dài 302km, gồm các tuyến La Sơn - Túy Loan (dài 66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 127km), Bến Lức - Long Thành (dài 55km), Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 54km).

“Như vậy, với các dự án đã hoàn thành, các dự án đang triển khai thì đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 473km. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.304km, trong đó để thông tuyến đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh phải đầu tư hoàn thành 1.280km (tính theo chiều dài các tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư)” - Vụ trưởng Nguyễn Hoằng nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, để bảo đảm đúng theo quy định của đường cao tốc phải đầu tư xây dựng 4 làn xe, có dải phân cách giữa; cùng với đó phải xác định lại tổng mức đầu tư; ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP (các dự án PPP có sự tham gia của ODA và các dự án PPP trong nước).

“Riêng cao tốc, theo quan điểm của tôi, Chính phủ phải ghi hẳn một gói cho đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, không ghi chung chung, vì đến năm 2020 chỉ còn 4 năm nữa nên mình phải đầu tư, 1 năm bình quân phải làm được 300km đường cao tốc, tương ứng với suất đầu tư 1km với 170 tỷ đồng (51.000 tỷ/năm)” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị.

Bộ trưởng yêu cầu tập trung hoàn thành 1.300km đường cao tốc Bắc - Nam 

Hiện nay, đã đưa vào khai thác 4 tuyến Bắc - Nam phía Đông, với tổng chiều dài 171km

Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định,  việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là rất quan trọng, bảo đảm tính kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, với phương châm giao thông đi trước, mở đường.

"Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 1300km đường cao tốc đòi hỏi toàn Ngành phải có sự tập trung cao độ, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020. Trong điều kiện như hiện nay, việc hoàn thành nhiệm vụ này phải huy động từ các nguồn lực, đầu tư theo các hình thức PPP. Tuy nhiên, dù là hình thức đầu tư nào để hoàn thành nhiệm vụ cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Chỉ được  xây dựng các Dự án BOT ở khu vực có lựa chọn thứ hai cho người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị thiết kế phải lưu tâm đến quy hoạch của địa phương, phát triển vùng nơi có dự án đi qua, như thế các dự án mới phát huy hết hiệu quả", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Qua đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao Ban PPP, Vụ Kế hoạch đầu tư, cùng với TEDI sớm hoàn chỉnh báo cáo Lãnh đạo Bộ (trước ngày 2/7/2016) để sớm báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét quyết định. 

 

mt.gov.vn
Thống kê truy cập