Bộ trưởng Đinh La Thăng
Chia sẻ với Báo Giao thông về các dự án nâng cấp mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) sau khi đã hoàn thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, chúng không chỉ lớn về quy mô công trình, tổng mức đầu tư, mà còn lớn cả về nỗi ưu tư, trăn trở của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Hơn bất cứ công trình hạ tầng nào khác, những công trình này mang tính biểu tượng cao về một đất nước Việt Nam mạnh mẽ vươn lên.
Đột phá lớn nhất từ trước đến nay
Sau hơn hai năm triển khai, đại công trình nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành, vượt tiến độ từ 12 - 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời tiết giảm được một lượng vốn lớn. Đây có phải là dấu ấn quan trọng nhất của ngành GTVT trong những năm gần đây, thưa Bộ trưởng?
Vấn đề nâng cấp mở rộng hơn 1.800 km QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiển nhiên là một nhiệm vụ rất lớn. Lớn nhất của ngành GTVT cho đến thời điểm này. Từ nhiều năm về trước, giao thông Bắc - Nam đã luôn là vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội, bởi QL1 chỉ có hai làn xe, xuống cấp nghiêm trọng, quá tải ở mức trầm trọng, gây ùn tắc kinh niên, thiếu an toàn cho người tham gia giao thông.
Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối ngày càng cấp bách giữa các tỉnh Cao nguyên đang thay đổi từng ngày với khu vực phát triển ven biển phía Nam. Vì thế, đây rõ ràng là những dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. Chúng không chỉ lớn về quy mô công trình, tổng mức đầu tư, mà còn lớn cả về nỗi ưu tư, trăn trở của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
QL1 mở rộng giúp lưu thông thông suốt, an toàn là động lực phát triển KT-XH các địa phương
(Ảnh chụp: QL1 đoạn Km804, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế sau khi nâng cấp, mở rộng) - Ảnh: Ích Tín
Hơn bất cứ công trình hạ tầng nào khác, những công trình này mang tính biểu tượng cao về một đất nước Việt Nam đang mạnh mẽ vươn lên theo hướng hiện đại. Mỗi công trình còn mang theo một thông điệp phát triển rất lớn hướng tới sự bền vững, những giá trị cốt lõi mà đất nước ta theo đuổi.
"Tôi chỉ có thể khẳng định, đây là hai đại dự án hạ tầng giao thông có sự đột phá lớn nhất từ trước đến nay của ngành GTVT ở cả ba khâu then chốt: Huy động vốn, tiến độ hoàn thành công trình và mức độ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Còn những công trình ấy để lại dấu ấn đến đâu thì không nằm trong tính toán và cũng không thuộc thẩm quyền quyết định của ngành GTVT”.
“Nói thật, khi quyết liệt bắt tay vào, bản thân tôi cũng không tránh được có những khoảnh khắc cảm thấy bất an. Nhưng cũng chính khi đó, tôi đã tìm thấy những điểm tựa tinh thần quan trọng để không nao lòng. Trước hết là quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về việc thực hiện dự án, thể hiện trong những nghị quyết được đề ra, được thông qua nhanh chóng”.
“Một dự án hạ tầng, dù hiện đại và quan trọng đến đâu, chỉ được coi là thành công khi nó được khai thác hiệu quả và an toàn, phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đó là triết lý hành động, là quan điểm mà ngành GTVT luôn quán triệt”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
|
Hiểu được điều quan trọng ấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đã xác định, toàn ngành phải bằng mọi cách thực hiện bằng được nhiệm vụ nặng nề đó. Rất may cho ngành GTVT khi Nghị quyết 13 của BCH Trung ương Đảng Khóa XI về đột phá phát triển hạ tầng giao thông ra đời kịp thời.
Đó là sự hậu thuẫn, nguồn động viên, khích lệ rất quan trọng, đồng thời là cơ sở cho một hành lang pháp lý vững chắc mở ra sau đó để Bộ GTVT căn cứ vào đó, nhanh chóng xây dựng đề án Mở rộng QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên với tổng mức đầu tư khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Đây rõ ràng là một con số khổng lồ trong điều kiện kinh tế đất nước lúc đó đang khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vì thế, có thể nói điều mấu chốt mang tính đột phá và quyết định sự thành công của đề án là sự kết hợp giữa ngân sách (dưới hình thức Trái phiếu Chính phủ), với việc huy động nguồn lực xã hội bằng hình thức đầu tư, khai thác, chuyển giao (BOT) để hoàn thành các công trình trên. Đề án nhanh chóng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XIII với sự đồng thuận cao, thể hiện ý chí mạnh mẽ của toàn xã hội.
Ngành GTVT đã vượt lên mọi khó khăn ban đầu để cả hai dự án được đồng loạt khởi công vào cuối năm 2013. Với nỗ lực của toàn ngành ở mức cao chưa từng có, mọi trở ngại cuối cùng đều đã được hóa giải. Các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 7/2015 chỉ sau hơn một năm triển khai. 38 dự án thành phần trên QL1 cũng được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 10 vừa qua, rút ngắn tiến độ so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ từ 12 - 18 tháng.
Đồng thời, với việc về đích sớm, hai dự án cũng đã tiết kiệm cho đất nước khoảng 17.082 tỷ đồng, trong đó các dự án sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ là 14.259 tỷ đồng, các dự án sử dụng vốn BOT là 2.823 tỷ đồng.
Giờ đây, trả lời câu hỏi của bạn, tôi chỉ có thể khẳng định, đây là hai đại dự án hạ tầng giao thông có sự đột phá lớn nhất từ trước đến nay của ngành GTVT ở cả ba khâu then chốt: Huy động vốn, tiến độ hoàn thành công trình và mức độ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Còn những công trình ấy để lại dấu ấn đến đâu thì không nằm trong tính toán và cũng không thuộc thẩm quyền quyết định của ngành GTVT.
Điểm tựa tinh thần quan trọng để không nao lòng
Trước khi Quốc hội thông qua đề án do Bộ GTVT xây dựng, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại với tổng mức đầu tư lên tới khoảng 100 nghìn tỷ đồng, thì ngay cả kết hợp giữa ngân sách với việc huy động nguồn vốn xã hội, dự án cũng khó mà thực hiện được. Giữa không ít ý kiến trái chiều như vậy nhưng Bộ GTVT vẫn quyết tâm lựa chọn phương án của mình. Liệu tại thời điểm đó, đây có phải là một sự mạo hiểm thưa Bộ trưởng? Lúc đó Bộ trưởng dựa vào đâu để nghĩ đến thành công?
Có một thực tế là, chưa bao giờ ngành GTVT không đứng trước khó khăn khi thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào. Thậm chí, như lịch sử từng ghi nhận, khó khăn luôn là chính. Vì thế, sự quyết tâm, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm luôn rất cần được đề cao như những phẩm chất quý báu, coi như chìa khóa cho mọi thành công.
Khi xây dựng đề án, chúng tôi hiểu rõ những khó khăn to lớn nào ngành GTVT sẽ phải vượt qua. Tôi chắc chắn là nhiều người chưa thể quên những băn khoăn, lo lắng của một bộ phận dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế, về tính khả thi của việc thực hiện đầu tư hai dự án trên. Những lo lắng ấy là có căn cứ, hoàn toàn dễ hiểu, đáng để cân nhắc.
Bởi có thể nói, khi đưa ra đề án, cũng có nghĩa là chúng ta sẽ phải hiện một công việc khó khăn vào loại bậc nhất, chưa có tiền lệ thành công. Vấn đề nguồn vốn cho đầu tư, mặc dù cực kỳ nan giải, cũng mới chỉ là một yếu tố. Việc tổ chức thi công trên một phạm vi không gian rộng lớn và phức tạp, với đủ loại địa hình, thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng tới sự xáo trộn trong mưu sinh của nhiều vùng dân cư với những phong tục tập quán khác nhau… luôn đặt ra những thách thức rất lớn về nhiều mặt. Cùng với đó là hàng loạt vấn đề khác như kỹ thuật thi công, ứng phó với thiên tai bất ngờ, những rủi ro không thể lường hết có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành công trình… đều là những vấn đề không thể không tính đến.
Nhưng toàn ngành GTVT đã đi đến nhất trí cao là không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dấn thân để thực hiện bằng được hai dự án quan trọng đó.
Nói thật, khi quyết liệt bắt tay vào, bản thân tôi cũng không tránh được có những khoảnh khắc cảm thấy bất an. Nhưng cũng chính khi đó tôi đã tìm thấy những điểm tựa tinh thần quan trọng để không nao lòng. Trước hết là quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về việc thực hiện dự án, thể hiện trong những nghị quyết được đề ra, được thông qua nhanh chóng.
Sự tin tưởng của Chính phủ tạo cho chúng tôi rất nhiều thuận lợi trong việc mạnh dạn đưa ra những đề xuất về cơ chế cũng như áp dụng nó vào công việc. Nhưng lớn hơn tất cả chính là chúng tôi hiểu được khát vọng của hàng chục triệu đồng bào, với hy vọng đổi đời đặt vào sự thành công của dự án. Tôi tin rằng, họ sẵn sàng làm tất cả để chúng tôi có được thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ. Với những gì vừa nêu, thì dự án không được phép thất bại.
Ngoài vấn đề nguồn vốn, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại dự án se�� bị vỡ tiến độ do quy mô quá lớn, khối lượng GPMB khổng lồ, liên quan đến hàng vạn hộ dân, vừa làm, vừa phải đảm bảo giao thông bình thường trên tuyến quốc lộ huyết mạch quốc gia. Vậy, lý do nào khiến Bộ trưởng tự tin có thể rút ngắn thời gian triển khai so với kế hoạch ban đầu của Chính phủ và Quốc hội?
Thứ nhất, như tôi vừa trình bày và xin được nhắc lại là tôi tin rằng, bất cứ người dân nào cũng mong muốn đất nước của chúng ta sớm có những con đường to, đẹp, giao thông thuận tiện nối liền Bắc - Nam, càng hoàn thành nhanh càng tốt. Thậm chí có thể nói đây là khát vọng cháy bỏng. Lòng dân mà thuận, thì ngay cả dời non lấp biển cũng không còn là việc quá khó. Niềm tin này là cơ sở quan trọng nhất để tôi dựa vào khi đưa ra những quyết định của mình liên quan đến việc triển khai công trình.
Điều quan trọng tiếp theo, như tôi đã nói nhiều lần, ở nhiều nơi, trong lịch sử ngành GTVT, chưa từng có dự án nào nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cơ quan T.Ư như dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Có đến ba Phó Thủ tướng ngày đêm cùng thao thức với hai đại công trình này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, còn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính cho dự án. Khi ba vấn đề vẫn luôn là khó khăn nhất của dự án đều thông suốt, thì không còn lý do gì để dự án không đạt hiệu quả cao nhất về mọi tiêu chí.
Ngoài ra, phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ tạo điều kiện trong công tác GPMB của nhân dân vùng dự án đi qua. Đây là những yếu tố quan trọng nhất để dự án tăng tốc ngay từ những ngày đầu triển khai.
Về phía Bộ GTVT, sự quyết liệt trong điều hành, tinh thần quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, công nhân viên dày dạn kinh nghiệm, là những nguồn lực quan trọng. Ngay từ đầu, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo và yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn bám sát chặt chẽ tại hiện trường, tận dụng mọi thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Chỗ nào, khâu nào vướng mắc phải tập trung tháo gỡ dứt điểm. Trách nhiệm giải quyết của cấp nào, thì cấp đó phải thực hiện. Chưa có dự án nào mà Bộ trưởng và các Thứ trưởng thay nhau đến tận hiện trường nhiều lần và trực tiếp đưa ra các quyết định tại chỗ như dự án này.
Chỉ riêng việc rút ngắn thời giandi chuyển trên QL1 cũng mang lại lợi ích kinh tế rất lớn
(QL1 đoạn qua huyện Bố Trạch, Quảng Bình) - Ảnh: Văn Thanh
Áp lực biến thành động lực cho những ý tưởng bất ngờ
Đây là hai công trình thuộc hạng tầm cỡ nhất của ngành GTVT từ trước đến nay với vô vàn khó khăn, thách thức. Vậy, trong quá trình chỉ đạo thực hiện, là người “đứng mũi chịu sào”, cá nhân Bộ trưởng chắc chắn phải chịu nhiều áp lực? Nếu được quay trở lại khoảng thời gian 2012 - 2013 khi dự án mới manh nha, chuẩn bị triển khai, Bộ trưởng sẽ vẫn đề nghị đầu tư các dự án này?
Áp lực là một đặc thù công việc mà toàn ngành GTVT luôn phải đối mặt, chẳng riêng gì ai. Với cá nhân tôi, áp lực công việc từ lâu đã là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nói thật là chẳng ai muốn lúc nào cũng phải căng mình ra vì công việc. Nhưng bằng kinh nghiệm của cá nhân qua nhiều nhiệm vụ, tôi có thể nói, áp lực từ bên ngoài nhiều khi lại rất cần thiết. Không biết với người khác thế nào, chứ với cá nhân tôi, áp lực hoàn toàn có thể biến thành động lực cho những ý tưởng bất ngờ, những hành động không thể chần chừ, những kế hoạch táo bạo.
Ngành GTVT chịu trách nhiệm rất lớn trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân về việc phải xây dựng được một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ. Với tình hình thực tế của đất nước, điều đó đòi hỏi toàn ngành không được phép lãng phí thì giờ vào những việc thiếu hiệu quả. Chỉ cần bỏ lỡ một cơ hội, chỉ cần thiếu quyết tâm trong một vấn đề nào đó, chỉ cần mải mê bàn cãi, dây dưa trách nhiệm… là tụt lại ngay tức khắc.
Còn có áp lực nào lớn, thường xuyên và hiển nhiên hơn? Nhưng rõ ràng đấy cũng là động lực để ngành GTVT hành động. Vấn đề là chúng ta tiếp cận công việc ở tâm thế nào?
Đứng trước những nhiệm vụ lớn mà Đảng và nhân dân giao cho cần đến bản lĩnh cá nhân, tôi dễ dàng khi đưa ra quyết định bao nhiêu, thì khó khăn bấy nhiêu khi rút lại. Trong tuyệt đại đa số trường hợp, cho đến nay, điều đó hầu như chưa từng xảy ra.
Cho tới nay, các dự án trên QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành. Vậy tới đây, Bộ GTVT và các địa phương sẽ tổ chức khai thác ra sao, đầu tư các tuyến đường kết nối thế nào để phát huy cao nhất hiệu quả các công trình, thưa Bộ trưởng?
Một dự án hạ tầng, dù hiện đại và quan trọng đến đâu, chỉ được coi là thành công khi nó được khai thác hiệu quả và an toàn, phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đó là triết lý hành động, là quan điểm mà ngành GTVT luôn quán triệt. Với đại dự án QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì vấn đề khai thác thế nào lại càng phải được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ khi dự án chưa hoàn thành, ngành GTVT đã tính đến các phương án đảm bảo lợi ích tối đa nhất mà công trình đem lại. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây vẫn là nguồn lực.
Hiện tại, do đất nước còn khó khăn, để giải quyết trước vấn đề này, Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội thông qua phương án sử dụng hơn 14 nghìn tỷ đồng vốn dư từ nguồn Trái phiếu Chính phủ mà hai đại công trình tiết kiệm được, để tập trung đầu tư đồng bộ các tuyến tránh, tuyến đường kết nối với QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Cùng với đó, Bộ GTVT đang từng bước xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam để chia sẻ gánh nặng với tuyến QL1 truyền thống, đảm bảo nó không bị quá tải dẫn đến xuống cấp nhanh.
Cũng do nguồn lực hạn chế, ngành GTVT sẽ triển khai thi công từng phần. Hiện trên trục Bắc - Nam, nhiều đoạn cao tốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác như Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương... Một số đoạn đang thi công như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan… Một số đoạn đang chuẩn bị đầu tư như: Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang, Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt - Vũng Áng...
Khi các hạng mục này hoàn thành, chắc chắn sẽ đảm bảo giúp khai thác QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiệu quả và bền vững nhất trong điều kiện thực tế hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Báo giao thông