Giảm hàng trăm tỷ đồng từ chi phí dự phòng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị đã rà soát, thẩm tra và trình Bộ GTVT báo cáo quyết toán 3 dự án BOT hoàn thành thuộc đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Theo báo cáo của các nhà đầu tư, giá trị đề nghị quyết toán tại các dự án BOT đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đều giảm so với tổng mức đầu tư (TMĐT) được phê duyệt ban đầu.
Cụ thể, dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1793+600 - Km 1824+00, tỉnh Đắk Nông (TMĐT 1.023 tỷ đồng) được liên danh nhà đầu tư Toàn Mỹ 14 - Băng Dương báo cáo giá trị quyết toán hơn 634 tỷ đồng, giảm hơn 388 tỷ đồng. Giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh là hơn 567 tỷ đồng, số tiền để lại do chưa đủ điều kiện quyết toán hơn 66 tỷ đồng và số tiền phải giảm trừ từ chi phí xây lắp là 358 triệu đồng.
Liên quan đến công tác quyết toán các dự án BOT, tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu việc quyết toán dự án đã hoàn thành, đặc biệt là các dự án BOT phải chuẩn mực từng con số. Việc quyết toán phải chuẩn xác để trả lời các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Đồng thời, đây cũng là chuẩn mực để khi tiến hành triển khai thực hiện các dự án sau này thuận lợi và chuẩn xác hơn.
|
Tại dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738+148 - Km 1763+610, tỉnh Đắk Lắk, Công ty CP Đầu tư BOT Quang Đức (nhà đầu tư) báo cáo giá trị quyết toán hơn 724 tỷ đồng, giảm hơn 111 tỷ đồng so với TMĐT được phê duyệt ban đầu (836,054 tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tại dự án này khoảng hơn 668 tỷ đồng, số tiền để lại do chưa đủ điều kiện quyết toán hơn 135 tỷ đồng và số tiền giảm trừ hơn 20 tỷ đồng.
“Số tiền chưa đủ điều kiện quyết toán tại dự án BOT của nhà đầu tư Quang Đức do chính quyền địa phương chưa quyết toán phần kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án. Còn số tiền giảm trừ hơn 20 tỷ đồng của dự án thuộc phần chi phí lãi vay, quản lý dự án, tư vấn và chi phí xây lắp”, ông Minh cho hay.
Tại dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku (Km1610) - Cầu 110 (Km 1667+570), tỉnh Gia Lai, Công ty CP BOT & BT Đức Long Gia Lai báo cáo quyết toán dự án giá trị hơn 1.298 tỷ đồng, giảm hơn 476 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu (hơn 1.775 tỷ đồng). Giá trị quyết toán dự án do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT phê duyệt là hơn 1.233 tỷ đồng, số tiền để lại do chưa đủ điều kiện quyết toán hơn 64 tỷ đồng và số tiền giảm trừ là 886 triệu đồng.
“Đây chưa phải là những con số cuối cùng, bởi sau khi Bộ GTVT rà soát, thẩm tra và ra quyết định thỏa thuận, đó mới là giá trị quyết toán, phản ánh chính xác chi phí đầu tư thực tế công trình và dùng để tính thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẳng định.
Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện các nhà đầu tư và Ban QLDA QL1 cũng đã trình Bộ GTVT báo cáo rà soát quyết toán của hai dự án BOT trên QL1 gồm: Dự án mở rộng QL1 đoạn Km1642 - Km1692 (tỉnh Bình Thuận) và dự án cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai. Tại dự án BOT QL1 qua Bình Thuận, Công ty CP BOT QL1A Bình Thuận (nhà đầu tư) báo cáo giá trị quyết toán hơn 2.193 tỷ đồng, giảm hơn 414 tỷ đồng so với TMĐT ban đầu (gần 2.608 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi rà soát, Ban QLDA 1 đề nghị Bộ GTVT phê duyệt giá trị quyết toán hơn 2.181 tỷ đồng.
Còn tại dự án BOT cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai do Tổng công ty 319 (nhà đầu tư) báo cáo quyết toán với giá trị gần 1.943 tỷ đồng, giảm hơn 142 tỷ đồng so với TMĐT (hơn 2.085 tỷ đồng), giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán của Ban QLDA 1 là 1.807 tỷ đồng.
Lý giải về số tiền chênh lệch giữa TMĐT được phê duyệt so với giá trị quyết toán của các chủ đầu tư báo cáo, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, TMĐT được phê duyệt ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình, không phải là giá trị để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.
“Trong cơ cấu TMĐT bao giờ cũng có phần chi phí dự phòng, gồm dự phòng về trượt giá và dự phòng khối lượng. Giai đoạn thiết kế cơ sở, đơn vị tư vấn không thể lường trước phần khối lượng phát sinh trong quá trình thi công thực tế tại hiện trường, trong khi chi phí dự phòng về trượt giá thời gian xây dựng được tính toán dựa trên các thông số vào thời điểm dự án điểm phê duyệt căn cứ mức độ trượt giá 3 năm hoặc 5 năm theo công bố của Tổng cục Thống kê. Do đó, chi phí dự phòng chỉ xác định chính xác khi công trình đã hoàn thành”, ông Huy nói.
Có giá trị quyết toán mới xác định thời gian thu phí
Ông Nguyễn Viết Huy cho biết thêm, theo quy định, sau khi dự án BOT hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. “Hiện, Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra. Sau đó mới lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu, đây là chuyện rất bình thường”.
“Tuy nhiên, thời gian thu phí của dự án được xác định qua giá trị quyết toán công trình cũng chỉ là con số chính thức đầu tiên, bởi trong quá trình thực hiện thu phí, cứ 3 năm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ rà soát và cập nhật các số liệu để tính toán, điều chỉnh thời gian hoàn vốn cho dự án”, ông Huy nói thêm.
Theo Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc, đối với việc quyết toán các dự án BOT, tính đến tháng 10, các nhà đầu tư đã trình quyết toán 30 dự án, còn lại 23 dự án nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để lập và trình quyết toán. Trong đó có, 14 dự án giao kế hoạch trình năm 2016 và 9 dự án giao kế hoạch trình năm 2017.
Về công tác kiểm tra và trình quyết toán của các Ban QLDA, từ đầu năm đến nay đã trình được 16 dự án, còn lại 15 dự án sẽ trình trong 2 tháng cuối năm 2016. “Công tác quyết toán các dự án BOT, BT trong 10 tháng đầu năm 2016 đã dần đi vào nền nếp, khuôn khổ. Công tác thẩm tra dự toán của Cục QLXD&CLCTGT đã triển khai tích cực. Các Ban QLDA chủ động đôn đốc nhà đầu tư trình quyết toán và tổ chức kiểm tra trình Bộ GTVT theo kế hoạch điều chỉnh”, ông Quốc đánh giá.
Tiến Mạnh - Đình Quang