Thành quả của Bộ GTVT có đóng góp lớn của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh

8/1/2023

Thành quả của Bộ GTVT có đóng góp lớn của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vào chiều nay (7/1).

Loại bỏ tận gốc cách làm cũ kém hiệu quả trong quản lý dự án giao thông - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vào chiều nay (7/1), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, ngành GTVT năm qua chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, "bão giá" nguyên vật liệu, nhiên liệu làm cản trở tiến độ các dự án giao thông. 

Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với những thành tích công tác đáng ghi nhận và biểu dương. Những kết quả này đã đóng góp rất lớn vào kết quả chung của Bộ GTVT trong năm 2022.

"Thường xuyên trực tiếp trên công trường, nhiều lúc tôi cảm tưởng như thất vọng, không thể vượt qua các thách thức. Song, thời điểm khó khăn đó đã chứng kiến được những nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, đoàn kết vững mạnh của tập thể Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Đó là một phần quan trọng để giải quyết hiệu quả các khó khăn thách thức, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, đặc biệt là cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã khánh thành vào ngày cuối cùng của năm", Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ.

Năm 2022 là năm có khối lượng giải ngân cao kỷ lục của Bộ GTVT. Trong đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được đánh giá cao, là top đầu trong các cơ quan của Bộ GTVT với kết quả giải ngân đạt 98%. Thứ trưởng khẳng định, đã có sự thay đổi rất đáng ghi nhận trong tư duy, hành động của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, giúp cho công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm được nâng tầm về năng lực.

Sản lượng giải ngân ước tính của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đạt khoảng 5.999 tỷ đồng (tăng 94% so với năm 2021). Trong đó, đến ngày 31/12/2022, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 4.264,927/4.926,663 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch vốn được giao sau điều chỉnh.

Dự kiến đến hết thời hạn giải ngân vốn 2022 (31/1/2023), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh giải ngân 4.837.1 tỷ, đạt 98,18% kế hoạch vốn được giao.

"Dù đã đạt được những kết quả thành tích đáng biểu dương, song, tôi yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ, phải tạo ra năng lượng tốt, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn toàn diện, chuyên nghiệp hóa hơn nữa", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu và lưu ý thêm, kết quả thực hiện dự án Cam Lộ - La Sơn vừa khánh thành vừa qua cần phải được rà soát, xem xét chi tiết, cụ thể.

"Nhìn nhận rõ những yếu điểm để khắc phục ngay, thay đổi ngay; những bài học kinh nghiệm phải phát huy hơn nữa. Đây mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình còn muôn vàn khó khăn. Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến nay dù là thành công nhưng không có nghĩa là các dự án khác cũng sẽ thành công nếu không có sự thay đổi về cách thức làm việc, không chịu thay đổi tư duy. Phải loại bỏ tận gốc cách thức làm việc cũ kém hiệu quả", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói và nhấn mạnh thêm: "Thành công hay thất bại phụ thuộc vào tư duy và hành động của người đứng đầu".

Loại bỏ tận gốc cách làm cũ kém hiệu quả trong quản lý dự án giao thông - Ảnh 3.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho 3 cá nhân của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021

Tiếp nối thành tựu của năm 2022, năm 2023 sẽ là năm ngành GTVT nói chung và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói riêng phải "gánh" trọng trách lớn hơn bao giờ hết. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, yếu tố sống còn là phải triển khai tốt các dự án gắn chặt với tinh thần đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Song hành với đó là phải đặt công tác phòng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản lên hàng đầu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tới đây, các ban QLDA được giao vai trò chủ đầu tư, quyền hạn lớn gắn với trách nhiệm lớn. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nói riêng và các ban QLDA nói chung phải rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, điều hành dự án. 

Đồng thời chú trọng đẩy mạnh sự đổi mới trong cách thức thực thi nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý, điều hành dự án; củng cố cơ cấu tổ chức;… bởi đây chính là cách thức thiết thực nhất để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác trước khối lượng công việc ngày càng lớn, thách thức ngày càng tăng.

Loại bỏ tận gốc cách làm cũ kém hiệu quả trong quản lý dự án giao thông - Ảnh 4.

Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẳng định, thành công của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong năm qua là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ, ban, ngành, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị và địa phương liên quan. Cùng với đó là sự nỗ lực, nhiệt cống hiến của toàn thể viên chức, người lao động.

"Nhiệm vụ năm 2023 đã được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xác định rõ. Dù áp lực tăng nhiều lần so với năm 2022, song, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ nghiêm túc hơn, dồn lực mạnh mẽ hơn với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong đó, ngoài nhiệt huyết, cống hiến tích cực, chắn chắn sẽ phải gắn liền với sự đổi mới mạnh mẽ để đạt được những thành tựu lớn như yêu cầu nhiệm vụ", ông Quý nói.

Để hoàn thành các nhiệm vụ và kế hoạch năm 2023, thực hiện sớm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh như yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT sớm bố trí vốn để đầu tư hoàn thành dự án Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn, dự án Cổ Tiết - Chợ Bến.

Cũng theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hiện đang bất cập. Theo đó, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định "Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án".

Khi triển khai thực hiện ở bước chủ trương đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 83 ngày 15/7/2020 cho phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở bước lập dự án.

 

Tạp chí giao thông
Thống kê truy cập