Thêm nguồn lực tạo đột phá hạ tầng giao thông

11/4/2016

Quý I/2016, ngành GTVT cơ bản hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra. Tới đây, ngành GTVT tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thu hút vốn, tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông.


Hầm chui nút giao Trung Hòa (Hà Nội) khánh thành ngày 8/1 đã góp phần xóa bỏ điểm đen ùn tắc và TNGT - Ảnh: Ngô Vinh

Nhiều dự án quan trọng đưa vào khai thác

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, quý I/2016, Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác 23 công trình, dự án, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại. Điển hình như tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang dài hơn 45km được triển khai đầu tư theo hình thức BOT khánh thành ngày 3/1, vượt tiến độ 6 tháng, rút ngắn hành trình từ Bắc Giang về Hà Nội còn 45 phút thay vì hơn 1,5 giờ như trước. Hai công trình lớn khác là dự án cầu Hòa Trung (Cà Mau) và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi được khánh thành ngày 16/1 tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam bộ, xóa tan thế “ốc đảo” biệt lập của hai huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển (Cà Mau).

Trên địa bàn Hà Nội, hai hầm chui hiện đại tại nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi và Trung Hòa cũng được khánh thành vào ngày 8/1, góp phần xóa bỏ “điểm đen” ùn tắc và TNGT, đồng thời kết nối với các tuyến cao tốc, đường vành đai tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Ngoài ra, hàng loạt công trình giao thông khác được hoàn thành và đưa vào khai thác như: Dự án QL1 đoạn qua TP Tân An (tỉnh Long An), dự án QL61 đoạn Cái Tư - Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), cầu Tân Phong (Nam Định)…

Về công tác huy động vốn, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, 3 tháng đầu năm 2016, ngành GTVT thu hút được 3.350 tỷ đồng để đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng QL60, đoạn nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên và dự án thu phí tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên theo hình thức BOT. Theo ông Huy, kết quả huy động vốn trong quý I mới đạt 9% so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2016 (khoảng 39 nghìn tỷ đồng).

“Hiện nay, các dự án BOT phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của Nghị định 15. Thời gian chuẩn bị dự án buộc phải kéo dài hơn so với trước nên kết quả huy động vốn chậm lại. Thời gian tới, khi các dự án xã hội hóa, nhất là các dự án đường cao tốc hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai thì nguồn vốn từ khu vực tư nhân sẽ tiếp tục chảy mạnh vào các dự án hạ tầng giao thông”, ông Huy cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, để có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, ngoài việc tiếp tục kêu gọi nguồn tài trợ vốn ODA, Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đây là giải pháp chiến lược tạo đột phá trong thời gian tới của Bộ GTVT.

“Trước đây, chúng ta chỉ chủ yếu dùng nguồn vốn trong nước đầu tư hạ tầng giao thông. Do vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, khai thác chuyển nhượng những dự án hạ tầng ở cả hàng không, đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa là điều cần được quan tâm”, Thứ trưởng Trường nói.

Dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng rút ngắn hành trình từ Bắc Giang về Hà Nội còn 45 phút thay vì hơn 1,5 giờ như trước - Ảnh: Lê Hiếu

Cao điểm lễ, Tết, TNGT vẫn giảm cả 3 tiêu chí

Quý I là thời điểm trùng với dịp Tết và mùa lễ hội nên tình hình trật tự ATGT “nóng” nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay, với nhiều giải pháp quyết liệt, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí. Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Bộ GTVT đã tiếp tục phát huy được sự quyết liệt thông qua những chỉ đạo cũng như các biện pháp phù hợp với tình hình; đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp vận tải. “Có thể nói, việc giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong 3 tháng đầu năm là thành tích đặc biệt xuất sắc”, ông Thanh nhận xét.

Riêng lĩnh vực vận tải, ngành GTVT đã trực tiếp tháo gỡ nhiều bất cập, siết chặt quản lý hơn đối với lĩnh vực này. Hàng loạt quy định của Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như: Xe ô tô từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình, gắn phù hiệu “XE TẢI”, quy định về số lượng phương tiện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách từ 300 km trở lên, quy mô đơn vị kinh doanh xe buýt... được Bộ GTVT tổ chức và đốc thúc triển khai vào thực tế. Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức 3 hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 86 và lấy ý kiến để sửa đổi toàn diện nghị định này nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý trong thời kỳ mới.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, tình hình trật tự ATGT trong quý I có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT đường sắt tăng, TNGT hàng hải tăng về số vụ và số người chết, xảy ra một số vụ tai nạn đường thủy làm thiệt hại lớn về kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra một số TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe mô tô tại Hòa Bình, Hà Nội, Hà Giang... “Để tiếp tục kéo giảm TNGT, thời gian tới, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan cần phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, các Hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền công tác đảm bảo ATGT, tăng cường quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, ông Hùng nói.

* Trong quý I/2016 có 9 công trình được Bộ GTVT khởi công xây dựng gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi từ Cần Thơ đi Kiên Giang; Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa (Lào Cai); Dự án sửa chữa, cải tạo hệ thống hộ lan ATGT trên các tuyến quốc lộ - giai đoạn 1; Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 (QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên).

* Cũng trong quý I, Bộ GTVT đã tổ chức 3 hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Cùng đó, Bộ đã ban hành và triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Hoàn thành rà soát, điều chỉnh các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h, biển khu đông dân cư và các biển báo không phù hợp, biển báo bị che khuất, biển báo không thống nhất với vạch sơn…


Nguồn Báo Giao Thông

 

Thống kê truy cập