Thông xe đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14): Động lực mới đưa Tây Nguyên cất cánh

26/6/2015

Ngày 26.6, Bộ GTVT tổ chức thông xe 553km Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) qua khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước. Từ một con đường cũ nát, quá tải và mất ATGT, nay đường Hồ Chí Minh đã được ví như dải lụa vắt qua trập trùng đồi núi cao nguyên, là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.


Đường Hồ Chí Minh qua Cư Jút, Đắk Nông

 “Đẹp như dải lụa”

Không phải đến ngày thông tuyến, mà từ cuối tháng 5, đường Hồ Chí Minh từ Kon Tum đến Bình Phước đã cơ bản hoàn thành. Với tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, gồm 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 80km/h (trừ một số đoạn đèo dốc, nguy hiểm được hạn chế tốc độ xuống 60km/h), đường Hồ Chí Minh đã là niềm vui sướng của người dân 4 tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. 

Tại bến đỗ nhà xe Thu Đức (TP. Buôn Ma Thuột), chị Nguyễn Thị Hoài Thu phấn khởi nói: “Tôi vừa đi khám bệnh ở TPHCM về, chỉ mất 7 tiếng rưỡi đồng hồ, nhanh hơn trước đây 5 tiếng. Đường Hồ Chí Minh đẹp hết chê, ngồi trên xe không còn bị quăng quật khi qua ổ gà, ổ voi; không còn giật mình mỗi khi xe cua gấp, thắng đột ngột như trước đây nữa”. 

Còn anh Lê Phương Lâm (tài xế xe khách chạy tuyến Gia Lai - TPHCM) cho biết, trước đây tôi chạy vật vã 13 - 14 tiếng, giờ chỉ 10 tiếng cho hành trình 570km. “Nhưng quan trọng là chạy xe an toàn, tài xế đỡ căng thẳng, hành khách khỏe; đồng thời mức tiêu tốn nhiên liệu cũng thấp hơn, phương tiện ít hao mòn hơn” - anh Phương nói. 

Không chỉ các doanh nghiệp và người đi đường, mà người dân các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua cũng không tiếc lời khen ngợi. Bởi từ khi con đường hoàn thành, người đi xe máy không còn bị xe khách, xe tải ép sát lề đường mỗi khi tránh, vượt. Cư dân hai bên đường cũng thoát cảnh bụi mù, lầy lội do con đường cũ xuống cấp trước đây...

Trong một chuyến công tác mới đây, PV Lao Động cũng chỉ mất hai tiếng rưỡi để lái xe từ Đắc Lắc đi Đắk Nông trên hành trình 130km. Đây chính là đoạn đường một thời xơ xác, tiêu điều do bên đường không còn quán xá, nhà dân luôn luôn đóng cửa. Bây giờ các đô thị dọc đường Hồ Chí Minh rực rỡ, đẹp lộng lẫy vào ban đêm; ra khỏi đô thị lại băng qua những rừng thông ngút ngàn ở Krông Búk, Buôn Hồ (Đắc Lắc) hay Đắk Song, Gia Nghĩa (Đắk Nông)...

Tây Nguyên đã gần hơn

Chiều 27.6, Bộ GTVT sẽ tổ chức lễ thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắc Lắc. Dự án có chiều dài 25km, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 - 80km/h, tổng vốn đầu tư hơn 836 tỉ đồng. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT, do Liên danh Cty kinh doanh XNK Quang Đức làm chủ đầu tư. 

Trong hai ngày tiếp đó, đoạn đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Gia Lai (57,6km) và Đắk Nông (70km) do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, với mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng cũng sẽ chính thức thông xe... 

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đây là những dự án chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng, góp phần đưa Tây Nguyên “cất cánh”.


Kiểm tra các hạng mục trên đường Hồ Chí Minh trước khi nghiệm thu. 

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 553km, từ Tân Cảnh đến Chơn Thành, đi qua 4 tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Trên đoạn tuyến này có 8 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó TGĐ BQLDA đường Hồ Chí Minh - cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các dự án đều vượt tiến độ nhà nước giao, đảm bảo về chất lượng. Trong quá trình tổ chức thi công, nhiều giải pháp đã được Bộ GTVT lựa chọn để áp dụng cho QL1A. Việc đưa đường Hồ Chí Minh vào khai thác đã kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại, giảm áp lực lưu thông trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Tây Nguyên. Trong thời gian khai thác, nếu có vấn đề phát sinh, BQLDA đường Hồ Chí Minh sẽ yêu cầu các bên liên quan khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng công trình lâu dài”. 

Có thể khẳng định, với đường Hồ Chí Minh, Tây Nguyên đã gần hơn với các vùng miền, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.




 

Nguồn Báo Lao Động

Thống kê truy cập