Tổng Giám đốc Lâm Văn Hoàng phát biểu trong Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT.

23/8/2015

Ngày 22/8, Bộ GTVT long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GTVT và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT năm 2015.

 
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vinh dự là tập thể duy nhất báo cáo thành tích tại buổi lễ. Dù mới trải qua 16 năm hình thành và phát triển, nhưng Ban đã vinh dự có 2 công trình được gắn biển Công trình tiêu biểu của Ngành nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành. Đại diện Ban, Tổng Giám đốc Lâm Văn Hoàng đã báo cáo thành tích tại buổi Lễ. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:

 BÁO CÁO THAM LUẬN CỦA BAN QLDA ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

TẠI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH GTVT 2015

           

Kính thưa:     - Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

                   - Quý vị đại biểu, các vị khách quý và các đồng chí.

 

Thay mặt tập thể CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chúng tôi rất tự hào về những kết quả mà Ngành GTVT đã đạt được trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là những năm gần đây được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong những thành tích đó có một phần đóng góp nhỏ bé của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Năm 1998, Đảng và Chính phủ đã quyết định triển khai xây dựng công trình xa lộ Bắc Nam trên cơ sở quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/9/1997. Tháng 8/1998, Bộ Chính trị đổi tên công trình thành đường Hồ Chí Minh. Ngày 11/8/1999, Bộ GTVT quyết định thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Ngày 03/02/2000, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1); ngày 05/4/2000 dự án chính thức được khởi công xây dựng. Trong điều kiện thi công rất khó khăn, địa hình, địa chất phức tạp; khí hậu khắc nghiệt; khối lượng bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rất lớn... Tuy vậy, với vinh dự và tự hào đơn vị mang tên Bác, CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí minh đã phấn đấu vượt mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dự án đã huy động được một lực lượng hùng hậu của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Trung ương Đoàn và các đơn vị mạnh của các địa phương, kỹ sư của nước Cộng hòa Cuba tham gia xây dựng, góp phần hoàn thành đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài khoảng 1.350km vào năm 2007 đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và tiết kiệm, kịp thời đưa vào sử dụng, phát huy tốt hiệu quả của dự án.

Song song với việc triển khai dự án, năm 2004, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 (NQ38) về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Cuối năm 2007, giai đoạn 2 của dự án được khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực đất nước giai đoạn này còn nhiều khó khăn nên mục tiêu đến năm 2010 nối thông toàn tuyến theo NQ38 không thực hiện được. Trước tình hình đó, Ban đã đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (NQ66) điều chỉnh một số nội dung của NQ38. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai dự án phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Theo NQ66, đường Hồ Chí Minh dài 3183km từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) và toàn tuyến sẽ được nối thông quy mô tối thiểu 2 làn xe vào năm 2020, sau năm 2020 sẽ đầu tư nâng cấp một số đoạn thành đường cao tốc.

Cũng trong giai đoạn 2010 - 2012, đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước (QL14) do đầu tư từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi nhu cầu vận tải tăng cao nên thường xuyên bị ách tắc, mất ATGT và là điểm nghẽn trong việc phát triển KTXH, thu hút đầu tư cho các tỉnh Tây Nguyên. Ban đã phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chủ động xây dựng đề án đặc thù báo cáo Chính phủ chấp thuận cho triển khai đầu tư nâng cấp 419 km đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên còn lại, để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đã kêu gọi huy động đầu tư theo hình thức BOT 5/11 dự án thành phần; một số cơ chế như cho phép chỉ định thầu có tiết giảm 5%; Nhà thầu ứng trước vốn thi công trong thời gian chờ Quốc hội thông qua nguồn vốn TPCP. Vì vậy, ngay trong năm 2013 công tác chuẩn bị đầu tư, tuyển chọn Nhà đầu tư BOT và Nhà thầu xây lắp cơ bản hoàn thành và sau khi Nghị quyết 65/2013/QH13 của Quốc hội được thông qua ngày 28/11/2013, các dự án thành phần đã đồng loạt khởi công xây dựng. Trong quá trình thực hiện, dự án nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bộ GTVT nên các khó khăn của dự án đã kịp thời được giải quyết. Trên cơ sở đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tổ chức công tác quản lý, điều hành dự án một cách cụ thể, khoa học, sâu sát, thường xuyên bám sát hiện trường phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng công trình; Xử lý mạnh các nhà thầu, nhà đầu tư chậm tiến độ, vi phạm chất lượng; Chỉ đạo lập và quản lý tiến độ thi công tổng thể, chi tiết của từng dự án theo tuần, tháng phù hợp với đặc thù thời tiết của Tây Nguyên, dự trữ vật liệu trong mùa mưa đủ để mùa khô chủ động bứt phá đẩy nhanh tiến độ... Vì vậy chỉ sau 1,5 năm triển khai xây dựng đến tháng 7/2015 toàn bộ 419km đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu, tiết kiệm được hơn 2000 tỷ đồng và rút ngắn 1/3 thời gian chạy xe, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển KTXH và giữ vững ANQP… Đây cũng là kết quả của sự cố gắng, phấn đấu vượt bậc, ấn tượng nhất của tập thể CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong thời gian qua.  

Đến nay, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành khoảng 2.070 km tuyến chính và khoảng 220km tuyến nhánh đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, tiết kiệm, tuân thủ đúng các quy định; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện. Những đoạn hoàn thành đã đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư dự án. Góp phần hoàn chỉnh hệ thống CSHT giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội - du lịch, bảo đảm AN - QP các địa phương có tuyến đường đi qua; Góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, đó cũng là cách tri ân, đền ơn đáp nghĩa những con người có công với đất nước; Thực hiện tốt chức năng là trục dọc xuyên Việt thứ 2, hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt ...

Hiện nay, đường Hồ Chí Minh đang tiếp tục đầu tư 315km, dự kiến hoàn thành vào 2016 - 2017. Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành đoạn Năm Căn - Đất Mũi để nối thông đường bộ đến Đất Mũi và đang khẩn trương triển khai dự án cao tốc đầu tiên là đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT. Đang chuẩn bị đầu tư 358km còn lại, dự kiến triển khai xây dựng năm 2016 để đến năm 2020 hoàn thành, nối thông toàn tuyến đúng theo yêu cầu của Quốc hội.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của tập thể CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh. Từ một đơn vị ban đầu chỉ có 5 bộ phận nghiệp vụ với 30 CBVC, cơ sở vật chất còn khó khăn. Đến nay, sau 16 năm hoạt động, Ban đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, với 12 bộ phận nghiệp vụ, trên 180 CBVC có kinh nghiệm chuyên môn vững vàng được rèn luyện trưởng thành trong môi trường thực tế đây là tài sản vô giá của đơn vị. Trong quá trình phát triển Ban đã không ngừng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ của CBVC; tổ chức, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, khoa học và phù hợp với thực tế triển khai dự án, thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý điều hành dự án. Đặc biệt, trong thời gian gần đây dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Ban đã có những bước tiến dài và đột phá nên chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng. Chính vì vậy năm 2015, Ban đã được Bộ GTVT tin tưởng giao thêm một số công việc ngoài dự án đường Hồ Chí Minh như dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên; Cầu Hòa Trung, tỉnh Cà Mau,… Đây là tiền đề để Ban xây dựng chiến lược phát triển mở rộng phạm vi hoạt động trong những năm tiếp theo.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, Ban còn tích cực tham gia công tác phong trào. Trong quá trình thực hiện dự án, Ban đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương, Trung ương Đoàn triển khai phong trào thi đua 4 nhất “Chất lượng cao nhất - Tiến độ nhanh nhất - An toàn nhất - Tiết kiệm nhất”, xây dựng và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Bộ GTVT phát động như cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện văn hóa công sở “4 xin, 4 luôn”, gây quỹ hỗ trợ thanh niên xung phong, gia đình chính sách, ủng hộ đồng bào bão lụt,... cũng như các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Với những nỗ lực trong 16 năm qua, tập thể Ban vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2014), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2009). Từ năm 2012 - 2014 Ban được xếp loại A; năm 2014, được nhận Cờ luân lưu của Chính phủ và Bằng khen của Bộ GTVT,... Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh có 2 công trình được lựa chọn là công trình tiêu biểu của Ngành GTVT: Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (năm 2008) Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (năm 2015).

Xác định nhiệm vụ tiếp theo của Ban còn rất nặng nề, để hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của Bộ GTVT, tập thể CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xin hứa sẽ tiếp tục đoàn kết, nhất trí, khắc phục mọi khó khăn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với đơn vị mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại kính yêu. Cuối cùng thay mặt tập thể CBVC Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ GTVT, sự phối hợp giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan liên quan. Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ hơn nữa trong thời gian tới!

Xin trân trọng cảm ơn!       

 TỔNG GIÁM ĐỐC

                                 Lâm Văn Hoàng

Thống kê truy cập