Lịch Sử Hình Thành và Phát Triển

 
 

Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, hơn 20 năm sau giải phóng, trước những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, năm 1996 Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu qui hoạch, đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ 2 nằm ở phía Tây đất nước với tên gọi ban đầu là công trình Xa lộ Bắc Nam. Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể công trình Xa lộ Bắc Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình Xa lộ Bắc Nam và Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam tại Quyết định số 1467/QĐ/TCCB-LĐ ngày 04/6/1997.

Thời điểm đó, do tình hình kinh tế của đất nước gặp khó khăn nên công trình Xa lộ Bắc Nam đã phải tạm dừng triển khai. Trong năm 1998, tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp; trong nước mưa bão gây lũ lụt lớn xảy ra liên tiếp ở miền Trung, gây thiệt hại to lớn về người và của, tắc nghẽn giao thông trên tuyến Bắc - Nam và hư hỏng nhiều kết cấu hạ tầng giao thông. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã coi việc sớm nối thông trục dọc thứ hai ở miền Trung (đoạn từ Hà Tĩnh vào đến Ngọc Hồi, Kon Tum) như là một nhiệm vụ đột xuất và cấp bách nhằm góp phần bảo đảm giao thông trong mọi tình huống. Đến tháng 8/1998, Bộ Chính trị chính thức đổi tên công trình xa lộ Bắc Nam thành Đường Hồ Chí Minh. Ngày 11/8/1999 Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trên cơ sở chuyển toàn bộ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam (tại Quyết định số 1999/1999/QĐ-BGTVT) và giao nhiệm vụ cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Ban) làm đại diện Chủ đầu tư quản lý đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi mới được thành lập, với số lượng cán bộ chuyên gia quản lý còn mỏng và thiếu, điều kiện cơ sở làm việc còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo Ban cũng đã kịp thời nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh tại Quyết định số 18/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000, trong đó Chính phủ cho phép xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) từ Hoà Lạc (Hà Nội) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) và nhánh Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Ngày 05/4/2000 dự án đã được Chính phủ chính thức khởi công xây dựng. Điều kiện thi công đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 rất khó khăn, địa hình, địa chất phức tạp, núi cao, vực sâu; khí hậu khắc nghiệt, khó lường; khối lượng bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rất lớn; vừa thiết kế, vừa thi công,... Tuy vậy, với quyết tâm cao độ và được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 7 năm triển khai thi công Ban đã hoàn thành toàn bộ đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 1.350km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và tiết kiệm, kịp thời đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả của dự án.

Song song với việc triển khai dự án, năm 2004, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 (NQ38) về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh. Tiếp theo là trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch đường Hồ Chí Minh (Quy hoạch tổng thể - Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 15/02/2007, Quy hoạch chi tiết - Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012, Quy hoạch hệ thống đường ngang - Quyết định 371/QĐ-TTg ngày 03/4/2012).

Từ năm 2007, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai các thủ tục để đầu tư giai đoạn 2 ở cả ba khu vực, phía Bắc từ Hà Nội đến Cao Bằng, phía Nam từ Bình Phước đến Cà Mau, riêng khu vực Tây nguyên chỉ đầu tư mở rộng các đoạn qua đô thị. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực đất nước giai đoạn này còn nhiều khó khăn nên mục tiêu đến năm 2010 nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo Nghị quyết 38 không thực hiện được. Đặc biệt giai đoạn 2010 - 2012 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhiều dự án thành phần bị dừng, giãn tiến độ, thời gian thực hiện bị kéo dài. Trước tình hình đó, Ban đã nghiên cứu đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (NQ66) điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 38. Theo Nghị quyết 66, đường Hồ Chí Minh dài 3183km từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) và toàn tuyến sẽ được nối thông quy mô 2 làn xe vào năm 2020, sau năm 2020 sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp một số đoạn thành đường cao tốc. Cũng trong giai đoạn này, tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây nguyên và Bình Phước (QL14 cũ) do đầu tư từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi nhu cầu vận tải tăng cao nên thường xuyên bị ách tắc, mất ATGT và là điểm nghẽn trong việc phát triển KTXH, thu hút đầu tư kinh tế cho các tỉnh Tây nguyên. Trước tình hình đó Ban đã phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chủ động xây dựng đề án đặc thù để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chấp thuận cho triển khai đầu tư nâng cấp 419 km đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên còn lại, trong đó để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đã kêu gọi huy động đầu tư theo hình thức BOT 5/11 dự án thành phần chiếm 46% TMĐT toàn dự án và cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù. Công tác chuẩn bị đầu tư đuợc khẩn trương thực hiện để cuối năm 2013 triển khai đồng loạt 11 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên & Bình Phước và sau 1,5 năm triển khai xây dựng đến tháng 7/2015 toàn bộ đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên chạy xuyên suốt qua 5 tỉnh Tây nguyên và Bình Phước với tổng chiều dài 553km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) có qui mô nền đường tối thiểu 12m đã hoàn thành thông suốt đảm bảo chất lượng và vượt hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Đây cũng là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt bậc ấn tượng nhất của tập thể CBCNV Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Đến nay, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 2.140km/2.744 km tuyến chính (đạt 78%) và khoảng 258km tuyến nhánh. Những đoạn hoàn thành đã đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư dự án, góp phần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư thúc đẩy các địa phương phía Tây đất nước phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội; thay đổi diện mạo các địa phương nơi tuyến đường đi qua, nâng cao đời sống của hàng chục triệu đồng bào các tỉnh phía Tây Tổ quốc, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo; thực hiện tốt chức năng là trục dọc xuyên Việt thứ hai, hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ắch tắc trong mùa mưa lũ,...

Ngoài các dự án đã hoàn thành, đường Hồ Chí Minh đang tiếp tục đầu tư 212km, các dự án này sẽ hoàn thành vào 2017 - 2018, trong đó có dự án cao tốc đầu tiên của đường Hồ Chí Minh là đoạn La Sơn - Túy Loan được đầu tư theo hình thức BT bằng vốn vay tín dụng của ngân hàng Tokyo - Mitsumishi UFJ Nhật Bản và đang chuẩn bị đầu tư 392km còn lại để đầu tư và hoàn thành năm 2020 để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đúng theo yêu cầu của Quốc hội.

Từ một đơn vị sự nghiệp ban đầu chỉ có 5 bộ phận nghiệp vụ với 30 công chức viên chức, quy mô cơ sở vật chất còn nhỏ, chủ yếu là “ở nhờ” Bộ GTVT và thuê của các đơn vị khác. Đến nay, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với 12 bộ phận nghiệp vụ, gần 180 công chức viên chức, có trụ sở riêng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong quá trình phát triển, Ban đã không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của CBVC,tổ chức, sắp xếp lại bộ máy theo hướng gọn, nhẹ, khoa học và phù hợp với thực tế triển khai dự án từng thời kỳ. Hiện nay, Ban đủ sức làm QLDA, tư vấn QLDA các dự án đường bộ kể cả các dự án đường cao tốc. Trên thực tế, năm 2015 Ban vinh dự được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý dự án cầu Hòa Trung tỉnh Cà Mau. Cũng trong năm này, Ban được Bộ Giao thông vận tải giao quản lý dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên. Cả hai dự án trên đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Với những cố gắng trong những năm qua, tập thể Ban đã vinh dự được nhận nhiều hình thức khen thưởng của Nhà nước như Chủ tịch nước tặng Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương lao động hạng nhất; trong các năm 2011, 2012, 2013, 2014 (4 năm liền) Ban được xếp loại A; năm 2014, Ban là đơn vị duy nhất trong khối Ban QLDA của Bộ GTVT được nhận Cờ luân lưu của Chính phủ. Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh có 2 công trình được lựa chọn là công trình tiêu biểu, đó là năm 2008 đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 được lựa chọn là công trình tiêu biểu của nghành GTVT và năm 2015 đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên được lựa chọn là công trình gắn biển chào mừng 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT và các ngày lễ lớn của đất nước.

“Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”của ngành GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đặc biệt là mục tiêu nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô hai làn xe vào năm 2020, xứng đáng là đơn vị được mang tên vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

Thống kê truy cập
Đang online:

Tổng số truy cập: