Giao thông tuần qua: Đề xuất đầu tư 7 cao tốc tại ĐBSCL, Quảng Trị 'cầu cứu' Chính phủ về cao tốc Cam Lộ - La Sơn

12/1/2020

Tắc GPMB cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tỉnh Quảng Trị "cầu cứu" Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến đề xuất đầu tư 7 dự án xây dựng đường bộ cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Đề xuất đầu tư 7 cao tốc tại ĐBSCL, Quảng Trị 'cầu cứu' Chính phủ về cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Bộ GTVT dự kiến đề xuất đầu tư 7 dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tắc GPMB cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tỉnh Quảng Trị "cầu cứu" Chính phủ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính vừa có văn bản 103/UBND-CN về việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Hiện nay, đoạn 2,5km qua rừng đặc dụng vẫn chờ quyết định từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Báo cáo của người đứng đầu Quảng Trị gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nêu rõ: "Sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào 16/9/2019, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành địa phương cũng như tích cực vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương thu hồi đất phục vụ GPMB để xây dựng tuyến đường trọng điểm quốc gia".

"Đến nay, toàn bộ tuyến cao tốc qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3 km đã cơ bản hoàn thành bàn giao cho Ban Quản lý dự án (QLDA) Hồ Chí Minh, chỉ còn vướng 2,5 km đoạn qua rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn", ông Chính cho biết.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, việc chậm bàn giao mặt bằng được cho do thủ tục, hồ sơ phức tạp, chưa thống nhất phương án hỗ trợ, đền bù và các đề tài khoa học trên đất dự án cần thời gian để nghiệm thu; vướng mắc trong cấp đất để thực hiện lại các đề tài này.

Vì thế, UBND Quảng Trị đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương, sớm giải phóng 2,5 km đoạn còn lại của dự án cao tốc trên. (Xem thêm)

Bộ GTVT đề xuất đầu tư 7 dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến.

Cụ thể, theo kiến nghị của cử tri, giao thông đường bộ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thiếu và yếu, người dân đi lại khó khăn, vận chuyến hàng hóa chưa được thuận lợi, giá thành cao.

Cử tri đề nghị sớm đầu tư thi công các tuyến cao tốc An Giang – Sóc Trăng; tuvến Bạc Liêu - Hà Tiên và nhiều tuyến khác để khu vực này có điều kiện phát triển kỉnh tế - xã hội.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết hiện nay, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng và đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đề xuất đầu tư 7 dự án xây dựng đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.580 tỷ đồng, bao gồm các đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lành, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

"Sau khi được Quốc hội và Chính phủ bố trí vốn, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai thực hiện. Đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu có ý kiến với các bộ, ngành để tranh thủ sự đồng thuận trong việc bố trí vốn cho các dự án này", Bộ GTVT cho biết. (Xem thêm)

Yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và UBND TP. Đà Nẵng tiếp thu ý kiến các bộ, tổ chức triển khai lập quy hoạch chi tiết điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng theo đúng quy định.

Sân bay Đà Nẵng là một trong 3 sân bay nhộn nhịp nhất Việt Nam, sau sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đây cũng là sân bay chủ đạo phục vụ nhu cầu giao thông hàng không cho TP. Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận. 

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020, lượng hành khách thông qua sân bay Đà Nẵng đạt 13 triệu lượt/năm, lượng hàng hóa thông qua là 50.000 tấn; đến năm 2030 lượng hành khách thông qua là 28 triệu lượt/năm và hàng hóa thông qua là 200.000 tấn.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, sản lượng hành khách tại sân bay Đà Nẵng là 13,3 triệu lượt/năm, sớm vượt công suất theo quy hoạch đến năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2019, hành khách quốc nội qua nhà ga T1, sân bay Đà Nẵng đạt 4,17 triệu lượt, dự kiến cả năm đạt khoảng 8 triệu lượt khách quốc nội; hành khách quốc tế thông qua nhà ga T2 đạt 3,43 triệu lượt (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018), dự kiến cả năm 2019 đạt hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, vượt công suất thiết kế nhà ga (4 triệu khách/năm). (Xem thêm)

Liên tục phát hiện phi công không làm chủ tốc độ

Cơ trưởng chuyến bay SQ176 từ Singapore về Nội Bài của hãng hàng không Singapore Airlines sau khi hạ cánh, lăn về sân đỗ đã dừng quá vạch 1m. Sự việc trên mới xảy ra tại sân bay Nội Bài.

Tại Tân Sơn Nhất, một vụ việc tương tự cũng bị phát hiện. Tàu bay A320/9V-JSQ của hãng hàng không Jetstar Asia sau khi thực hiện chuyến bay 3K555 từ Singapore về Tân Sơn Nhất hạ cánh và lăn vào bến đậu số 17 cũng bị quá vạch khoảng 1,8m.

Cũng tại sân bay này hôm 29/12/2019, tàu bay A320/9M-AQM của Malaysia Air Asia thực hiện chuyến bay AK526 từ Kuala Lumpur về cũng lăn quá vạch dừng khoảng 1,6m.

Sau khi xảy ra vụ việc, các đơn vị có liên quan phối hợp sử dụng xe kéo đẩy tàu bay về đúng vạch dừng bánh mũi để khai thác chuyến bay theo đúng quy trình, quy định. Nhà chức trách hàng không tại sân bay cũng đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc.

Thông thường, trong các trường hợp này, nhà chức trách hàng không có thể sẽ đưa ra mức phạt khá nặng, trung bình khoảng 7,5 triệu đồng do lỗi “điều khiển tàu bay trên đường lăn, sân đỗ tàu bay không tuân theo hướng dẫn của hệ thống dẫn đỗ tàu bay làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng không mà chưa uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không”. (Xem thêm)

Đề xuất miễn phí cho các phương tiện trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dịp Tết

UBND tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư về việc đưa tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn 12.000 tỷ đồng vào vận hành miễn phí cho người dân trong dịp tết nguyên đán Canh Tý.

Theo đó, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ miễn phí cho người dân từ ngày 10/1 đến ngày 8/2/2020.

Trước đó, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải về việc đề xuất vận hành, khai thác miễn phí từ ngày 10/01 - 08/02/2020 nhằm phục vụ việc đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, thông qua thời gian vận hành miễn phí để đánh giá lại toàn bộ hệ thống thu phí, hệ thống đảm bảo an toàn giao thông, hoàn thiện và đưa cao tốc vào khai thác chính thức.

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết đề xuất này nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại rất lớn dịp cuối năm, đồng thời để người dân được kiểm tra đánh giá một cách khách quan nhất về chất lượng công trình

 

https://vietnamfinance.vn/
Thống kê truy cập