Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị kiến nghị ưu tiên nguồn lực, sớm đầu tư nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe.

29/3/2024

Ngày 16/3, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát tại một số dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Vạn Ninh - Cam Lộ. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...
Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 1.

Đoàn Giám sát kiểm tra thực địa cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Giải phóng xong mặt bằng, thuận lợi nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài hơn 98km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế 64,5km. "Sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, hiện nay tuyến đã góp phần phát huy rất nhiều hiệu quả và là một trong những dự án hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế để phát triển kinh tế - xã hội’, ông Minh chia sẻ.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, bình quân một ngày trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có khoảng 2.000 - 3.000 lượt xe, góp phần phân lưu giảm tải áp lực phương tiện cho quốc lộ 1 qua tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 30%. 

Đặc biệt, trong dịp Tết vừa qua, lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn tăng rất lớn. Trong năm 2023, nhờ giảm được lượng xe trên quốc lộ 1, Thừa Thiên Huế cũng giảm sâu số người tử vong do TNGT trên quốc lộ 1 trong năm 2023.

"Mặc dù điều kiện khai thác còn hạn chế, nhưng với sự cơ động và thuận lợi rất lớn nên lượng phương tiện lưu thông trên tuyến ngày càng tăng. Theo chúng tôi đánh giá, theo hồ sơ dự báo khi chúng ta lập dự án để triển khai, đường Cam Lộ - La Sơn dự báo đến năm 2025 dự báo khoảng 7.000 lượt xe/ngày, nhưng như dịp Tết vừa rồi đã gần tới ngưỡng, khoảng 6.000 lượt xe/ngày", ông Minh nhấn mạnh.

Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Từ đây, lãnh đạo Thừa Thiên Huế bày tỏ mong muốn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được nâng cấp từ 2 làn xe lên 4 làn xe, phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay đang khai thác.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho hay: Trong các cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội trước đây cũng như các đoàn của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất đầu tư tuyến Cam Lộ - La Sơn với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe.

"Hiện nay, công tác GPMB 4 làn xe cũng đã được thực hiện xong, việc nâng cấp mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh là rất thuận lợi. Tỉnh Quảng Trị kiến nghị Đoàn giám sát trong thời gian gần nhất ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để đảm bảo triển khai mở rộng tuyến lên quy mô 4 làn xe", ông Tiến cho hay.

Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, các giải pháp trước mắt và lâu dài về nâng cao hiệu quả ATGT, đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn được Bộ GTVT tập trung triển khai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cũng cho biết, về đất san lấp, trên địa bàn tỉnh vừa qua đã cho đấu giá và tập trung cho công tác GPMB cho các mỏ đất để phục vụ cho công tác xây dựng các công trình của quốc gia cũng như trên địa bàn tỉnh. 

Thừa Thiên Huế vừa qua đã đấu giá được 7 mỏ đất và hiện nay đang tập trung GPMB 5 mỏ, với trữ lượng khoảng 15 triệu m3 để chuẩn bị cho các dự án trên địa bàn của tỉnh cũng như dự án của quốc gia qua tỉnh.

"Chúng tôi rất mong và kiến nghị Quốc hội, Bộ GTVT tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ tuyến cao tốc này đạt 4 làn xe trong thời gian tới", ông Minh nhấn mạnh.

Tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được đưa vào khai thác giai đoạn 1, từ khi đưa vào khai thác. Bên cạnh hiệu quả công trình, thời gian qua, trên tuyến xảy ra một số vụ TNGT. 

Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 4.

Quang cảnh buổi làm việc.

Qua làm việc với các cơ quan liên quan và Cục CSGT, nguyên nhân cơ bản các vụ TNGT được xác định chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông chưa chấp hành đúng báo hiệu và quy tắc giao thông trên đường.

Bên cạnh đó, từ khi đưa công trình đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào khai thác, các xe tải nặng vận tốc lưu hành thấp (thường 30 - 40km/h) gây ức chế, ùn ứ cho các phương tiện phía sau, dẫn đến nguy cơ vượt ẩu...

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, hiện nay, cùng với các giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức tài xế, Cục CSGT xử lý nghiêm các phương tiện cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, vượt quá tốc độ...

Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 5.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ VN, Ban QLDA đường HCM, các đơn vị chức năng rà soát lại toàn bộ hệ thống sơn kẻ đường, biển báo trên đường để khắc phục, sửa chữa, xử lý ngay cho phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Hiện trên tuyến đang được gắn đinh phản quang ở vạch sơn giữa; điều chỉnh lại vạch tim đường sang nét liền và bố trí nét đứt so le nhau để thí điểm cho vượt 1 chiều ở đoạn tuyến qua tỉnh Quảng Trị; Gắn một số biển báo hiệu nhận biết từ xa các đoạn đường thắt hẹp và đặc biệt là các điểm ra, vào; mở rộng đoạn thắt hẹp để tăng mức độ an toàn cho các phương tiện dễ dàng nhận biết.

Bộ GTVT cũng cho đếm xe lại cả trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và trên tuyến quốc lộ 1 để xác định lại thành phần dòng xe, xác định lại hành vi lưu thông trên đường, từ đó có phương án phân làn phù hợp, cũng như kiến nghị trong giai đoạn dài hạn.

Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 6.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nghiên cứu để huy động các nguồn lực để mở rộng lên 4 làn xe hoàn chỉnh cho toàn bộ tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Hiện nay, Bộ GTVT đã có quyết định để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mở rộng giai đoạn 2. Dự kiến toàn tuyến hơn 98km cao tốc Cam Lộ - La Sơn mở rộng giai đoạn 2 lên 4 làn xe có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.

"Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ bố trí từ nguồn vượt thu và thực hiện đầu tư công trình theo lệnh khẩn cấp. Nếu được chấp thuận các cơ chế chính sách này, dự kiến dự án có thể khởi công vào cuối năm 2024 và dự kiến thi công hoàn thành cơ bản trong 2025.

Tại buổi làm việc, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội ủng hộ, phân bổ ưu tiên cân đối nguồn vốn để mở rộng tuyến cao tốc này lên 4 làn xe hoàn chỉnh.

Địa phương mong Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo Đoàn giám sát về dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ chiều 16/3.

Đối với đoạn từ La Sơn đi Hòa Liên, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT đã lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang trình Thủ tướng, và chờ Bộ KH&ĐT thẩm định, dự kiến có thể phê duyệt được chủ trương đầu tư trong tháng 5/2024.

Nếu bố trí được nguồn vốn từ nguồn vượt thu, sẽ nối thông tuyến 4 làn xe toàn bộ từ Cam Lộ vào đến Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Đức Hải- Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực của 2 địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Bộ GTVT trong việc phối hợp triển khai thực hiện các dự án, GPMB đối với các dự án cao tốc được hưởng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Đối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội tán thành các giải pháp trước mắt và lâu dài của Bộ GTVT. "Những giải pháp trước mắt trong tầm tay, đề nghị Bộ GTVT, Ban QLDA triển khai ngay, còn cái lâu dài phải nghiên cứu đánh giá, cân đối nguồn vốn...", Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với các dự án đang triển khai như cao tốc Bắc – Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, Đoàn giám sát ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong việc chậm triển khai dự án cũng như GPMB… và cho biết, những kiến nghị của các địa phương, đơn vị sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, báo cáo Quốc hội, Chính phủ để giải quyết các vấn đề phát sinh qua thực tiễn giám sát.

baogiaothong.vn
Thống kê truy cập