Ngày 20/12, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước về công tác quản lý hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, hạ tầng giao thông tại tỉnh Bình Phước trong những năm gần đây đã có sự phát triển đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. "Kinh tế phát triển cũng đòi hỏi hạ tầng giao thông phải được đầu tư kịp thời, bởi Bình Phước giáp ranh nhiều địa phương rất năng động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nên có thể phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, ông rất trăn trở khi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bình Phước chưa khớp nối được toàn tuyến. Đối với tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Bộ đã giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập dự án đầu tư để sớm kết nối hoàn chỉnh tuyến từ Long An qua Đồng Tháp về tới Kiên Giang, tạo thành trục đường xuyên suốt. Vừa qua Bộ GTVT đã làm việc với các tỉnh Long An, Tây Ninh để thống nhất phương án đầu tư, sớm trình Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn. Về lâu dài, sẽ quy hoạch tuyến đường này thành đường cao tốc để kết nối vùng Tây Nguyên đến Tây Nam bộ.
Đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, Bộ trưởng Thể đánh giá đây là tuyến huyết mạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực lớn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian và lộ trình từ TP.HCM đến Bình Dương, Bình Phước.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cho biết, sau khi chia tách tỉnh từ Sông Bé cũ, tỉnh Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn do giao thông cách trở. Những năm qua, nhờ Trung ương quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông đã từng bước phát triển, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ông Lợi cho biết chính quyền và người dân Bình Phước rất mong muốn sớm triển khai đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành ngay trong năm 2020 kết nối từ Bình Phước về TP.HCM. Đồng thời bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt kết nối hệ thống cảng từ TP.HCM đến Bình Phước nhằm tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trong những năm qua với sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 222,7km gồm: QL14, QL13 và QL14C; 18 tuyến đường tỉnh (635,3km), hơn 1.021km đường huyện được cứng hóa bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa và láng nhựa, còn lại đường cấp phối đường đất chiếm 38,2%. Hiện có 100% xã đã có đường đến trung tâm xã.
Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ khởi công đoạn còn lại của dự án QL13 từ ngã ba Lộc Tấn đi cửa khẩu Hoa Lư dài 15km, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Hiện tỉnh đang phối hợp Tây Ninh, Long An để hoàn thiện các thủ tục kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chuyển các tuyến đường đi qua 3 địa phương thành đường QL14C theo quy hoạch để kết nối giao thông các tỉnh trong vùng; Đề nghị Bộ GTVT đầu tư bổ sung đoạn tuyến cao tốc từ Chơn Thành - Hoa Lư để kết nối từ TP.HCM - Chơn Thành - Hoa Lư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trong vùng với các nước Campuchia - Lào - Myanmar; Khôi phục xây dựng cầu Mã Đà kết nối tuyến ĐT753 đi Đồng Nai.
Ông Huỳnh Anh Minh cũng đề nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh quy mô thực hiện cảng cạn ICD Hoa Lư. Cụ thể: giai đoạn 1 với quy mô 10ha đến 15ha, công suất 200.000 đến 500.000 teus/năm. Giai đoạn 2 (triển khai từ 2020 đến 2030) mở rộng diện tích lên 20ha đến 25ha, dự kiến đạt công suất 600.000 đến 900.000 teus/năm