Bộ GTVT: Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra

24/7/2017

Sáng 24/7, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã tới dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục và các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra của Bộ GTVT.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu kết luận Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường cho biết, sau khi Luật Thanh tra và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP, Nghị định số 97/2011/NĐ-CP, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP, Nghị định sổ 57/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ GTVT đã xây dựng và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu tổ chức lực lượng thanh tra theo mô hình mới; xây dựng các thông tư, quy chế, quy định liên quan đến mô hình tổ chức; hoạt động đoàn thanh tra; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thanh tra; điều kiện tiêu chuẩn của thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra...; chỉ đạo công tác xây dựng định hướng thanh tra, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thanh tra kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết công tác thanh tra ngành GTVT hàng năm; chỉ đạo xây dựng, thực hiện các đề án như Đề án 321, Đề án nâng cao năng lực thanh tra hàng hải… 

Từ khi Luật Thanh tra 2010 được triển khai đến nay, Bộ GTVT đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư, phối hợp xây dựng ban hành 01 Thông tư, ban hành 04 quy chế. Hàng năm, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan đơn vị rà soát, tổng hợp báo cáo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tế công tác quản lý; triển khai thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đối với các đơn vị trực thuộc Bộ và Thanh tra các Sở GTVT.

Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra

Trong giai đoạn 2011 - 6/2017, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã thực hiện trên 200 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã thu hồi về ngân sách nhà nước 41,734 tỷ đồng; yêu cầu xuất toán, giảm trừ và các xử lý kinh tế khác với số tiền trên 4.851 tỷ đồng; xử phạt và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 5,122 tỷ đồng; cấm tham gia đấu thầu các công trình do Bộ GTVT quản lý đối với một số doanh nghiệp; yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và đề nghị xử lý kỷ luật đối với nhiều đơn vị và cá nhân có sai phạm; chuyển hồ sơ 01 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đề nghị điều tra, xác minh theo thẩm quyền. Thanh tra các Tổng cục, Cục cũng đã thực hiện trên 16 nghìn cuộc thanh kiểm tra, thu hồi về ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng.

Bên cạnh những sai phạm được phát hiện, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã kịp thời phát hiện, tổng hợp đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách liên quan gồm 09 Nghị định, 16 Thông tư, một số tiêu chuẩn ngành do Bộ GTVT ban hành…

Toàn cảnh Hội nghi

Đánh giá về kết quả thi hành Luật Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Trần Văn Trường cho biết, việc triển khai Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được lãnh đạo Bộ GTVT và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng lực lượng, chuyển đổi mô hình tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền phổ biến pháp luật, xâv dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra kiểm tra được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai tương đối toàn diện trên tất cả lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ GTVT, gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa. Trong đó ưu tiên thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng, kinh doanh vận tải, đào tạo sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện... Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, đề xuất điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp thực tế công tác quản lý; phát hiện xử lý nhiều vi phạm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Đại diện các đơn vị trình bày tham luận tại Hội nghị

Tuy nhiên theo ông Trường, quá trình triển khai Luật Thanh tra vẫn còn có một số tồn tại hạn chế như: công tác sắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức lực lượng làm công tác thanh tra tại các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành còn chưa đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của một số cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đồng đều, một số cuộc thanh tra chưa đáp ứng quy định về thời hạn. Vẫn còn có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nhất là giữa cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ với cơ quan thanh tra địa phương. Sự ph���i hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong triển khai hoạt động thanh tra còn hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra còn gặp khó khăn, chủ yếu mới giám sát qua theo dõi tiến độ, báo cáo của trưởng đoàn thanh tra, chưa thường xuyên trực tiếp giám sát tại hiện trường. Trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra của một số Thanh tra viên, công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường hợp vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, ông Trường cho rằng Luật Thanh tra 2010 là hành lang pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra vừa đảm bảo quản lý theo ngành vừa đảm bảo quản lý theo lãnh thổ. Luật đã nâng cao vị trí, vai trò và tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, xử lý sau thanh tra. Các chế định quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện công tác thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra đã được quy định cụ thể hơn đảm bảo tính hợp lý trong hoạt động thanh tra. Các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra được quy định rõ ràng, phù hợp yêu cầu hoạt động thanh tra công khai, minh bạch, khách quan, trung thực.

"Tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa đồng bộ và bộc lộ một số bất cập như trong vấn đề tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; trong tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành,cộng tác viên thanh tra cũng như hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra,theo dõi dôn đốc, kiểm tra xử lý sau thanh tra", ông Trần Văn Trường nhấn mạnh

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Thanh tra Chính phủ đánh giá cao công tác triển khai thi hành Luật Thanh tra của Bộ GTVT thời gian qua, đồng thời cho biết những vướng mắc, kiến nghị được nêu tại Hội nghị  cũng là những vấn đề chung mà Thanh tra Chính phủ đã nhận được từ các Bộ ngành trong thời gian qua. Thanh tra Chính phủ ghi nhận và sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến cũng như tìm biện pháp khắc phục, tháo gỡ.

Đại diện Thanh tra Chính phủ phát biểu

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Thanh tra Bộ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị từ đó tổng hợp, phân tích rõ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thi hành Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn, báo cáo Thanh tra Chính phủ để có hướng sửa đổi, điều chỉnh. Thứ trưởng cũng đề nghị trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, các đơn vị cần tiếp tục phát hiện vấn đề vướng mắc kịp thời báo cáo Thanh tra Bộ, Thanh tra Chính phủ để tìm hướng tháo gỡ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tiếp tục nâng cao trình độ,nghiệp vụ, chuẩn hóa đội ngũ thanh tra viên, cán bộ làm công tác Thanh tra.

 

Tin và ảnh: Lê Đức - mt.gov.vn
Thống kê truy cập