Chậm giải ngân, nhà thầu BOT Bình Định dễ cạn vốn thi công

2/8/2015

Sáng 31/7, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu cùng ngồi lại mổ xẻ vướng mắc “dòng tiền” dự án BOT Bắc và Nam Bình Định, thống nhất cơ chế giải ngân 88% dự toán chính thức.


Sau 3 lần tổ chức họp chuyên đề "dòng tiền" dự án, lần đầu tiên đại diện các bên Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư, nhà thầu, ngân hàng ngồi lại đông đủ với nhau để mổ xẻ vấn đề vướng mắc, "gai góc", khơi thông dòng tiền dự án.

Cả hai dự án BOT Bắc và Nam Bình Định hiện đang vào giai đoạn thi công chạy đua nước rút trước thời hạn cán đích (chậm nhất cuối tháng 9/2015). Thống kê của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền), đến hết tháng 7, tiến độ trung bình hai dự án đạt trên 60%. Với 40% tiến độ còn lại, áp lực thi công, sản lượng thực tế ngoài hiện trường 2 tháng rất lớn. Trong đó, chủ yếu thuộc các hạng mục thảm bê tông nhựa (BTN), giá trị tiền cao.

Thời gian qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức hàng loạt các cuộc họp chuyên đề về dòng tiền, làm việc cụ thể với từng gói thầu, nhà thầu, tạo chuyển biến nhất định trong công tác nội nghiệp, giải ngân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh công tác giải ngân thanh quyết toán, nội nghiệp nhà thầu vẫn còn hạn chế, vướng mắc khiến dòng tiền chậm lưu thông, “xoay vòng” ngoài thực tế. 

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chuyên trách dự án BOT Bắc Bình Định), thời gian qua các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh khối lượng thi công. Nhiều nhà thầu Nhật Minh, Kiến Phát đạt sản lượng trên dưới 20 tỷ đồng… Nhưng chưa thể giải ngân, khiến việc “xoay vòng” dòng tiền ra công trường khó khăn, chậm trả tiền cho các nhà cung ứng vật liệu.

“Vướng mắc lớn nhất là chưa hợp đồng xây lắp giữa nhà thầu chính, phụ. Bản thân nhà thầu rất thiếu và yếu trong công tác nội nghiệp”, ông Bình đánh giá. Theo nhà đầu tư BOT Bắc Bình Định, các gói thầu dự án hiện thi công đạt giá trị hơn 500 tỷ đồng nhưng đến nay nhà thầu mới làm phiếu giá, chuyển ngân hàng để giải ngân hơn 270 tỷ đồng.

Tương tự tại dự án BOT Nam Bình Định, hàng trăm tỷ đồng khối lượng thi công thực tế tại các gói thầu vẫn “nằm chết ở hiện trường”. Đại diện phía ngân hàng BIDV Phú Tài (nhà tài trợ vốn dự án BOT Bình Định) cho hay: thời điểm giá trị thực hiện các gói thầu ngoài hiện trường đạt 560 tỷ đồng, nhưng hồ sơ lên ngân hàng giải ngân chỉ đạt khoảng 50%. 2 tháng còn lại, 2 dự án giải ngân 1.000 tỷ đồng. Dòng tiền rất lớn cần có kế hoạch cụ thể.


Dự án bước vào giai đoạn tăng tốc thảm BTN đại trà, "ngốn" lượng tiền lớn,
việc chậm khơi thông dòng tiền dự án sẽ khiến nhà thầu gặp khó khăn.

Theo ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chuyên trách dự án BOT Nam Bình Định), vấn đề cốt lõi đẩy nhanh dòng tiền giải ngân cho nhà thầu. Mỗi ngày, gói thầu thảm BTN có thể đạt sản lượng vài tỷ đồng. Tiền chậm ngày nào, nhà thầu dễ đứng bánh “thi công”, cạn vốn chừng đó.

Chiều cùng ngày 31/7, trực tiếp kiểm tra các dự án QL1 Bình Định, ông Lâm Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phê bình công tác giải ngân các dự án BOT quá chậm. Ông Hoàng chỉ đạo nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh công tác thi công, giải ngân dự án. Thi công phải nhanh ra tiền, tiền phải được giải ngân "tiệm cận" với sản lượng thực tế và đi thẳng về nhà thầu. Nếu phát hiện trường hợp tiền giải ngân "đi xiên", Ban mời công an vào cuộc, điều tra, làm rõ - Ông Hoàng nhấn mạnh.

Ngay tại cuộc họp sáng 31/7, ông Minh truy tỷ lệ thanh toán dự toán tạm duyệt giữa nhà thầu - nhà đầu tư - ngân hàng cho các gói thầu dự án.

Trên cơ sở phân tích vướng mắc, chồng lấn tỷ lệ % giữ lại giữa ngân hàng - nhà đầu tư, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cùng các bên thống nhất cơ chế tỷ lệ giải ngân 88% dự toán chính thức, trực tiếp cho các nhà thầu, chỉ giữ lại 5% bảo hành, 5% chờ quyết toán, 2% thuế vãng lai (tổng tối đa 12%-PV); thay vì tỷ lệ giải ngân thực tế ở mức 60% dự toán tạm duyệt như trước đây. Phía ngân hàng cam kết “tiền về tài khoản nhà thầu” chậm nhất trong 2 ngày.

Ông Minh thông tin: Bộ GTVT chính thức ban hành cơ chế riêng cho dự án BOT Bình Định chỉ khi duyệt dự toán chính thức cuối cùng mới thông qua Bộ, còn lại chỉ cần ý kiến của Ban, nhà đầu tư sẽ duyệt dự toán chính thức làm cơ sở giải ngân, giảm thời gian hành chính. Đồng thời, Ban thành lập tổ nghiệm thu thanh toán cho từng gói thầu, nhà thầu. Phía ngân hàng cho cơ chế “nợ con dấu” để giải ngân kịp thời, đưa tiền “xoay vòng” ra hiện trường.

Cũng theo ông Minh, Ban đôn đốc nhà đầu tư, ngân hàng bổ sung tỷ lệ giải ngân chênh lệch giữa dự toán tạm duyệt và dự toán chính thức cho các khối lượng đã giải ngân trước đây, đảm bảo việc giải ngân đều đạt tỷ lệ 88% như dự toán chính thức. Phần còn lại, giữa nhà thầu chính, phụ có cơ chế rõ ràng, hoàn tất hợp đồng xây lắp. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh yêu cầu tiền giải ngân chuyển thẳng về nhà thầu phụ, thay vì qua nhà thầu chính như trước đây.


Nguồn Báo Giao thông

 

Thống kê truy cập