Chính phủ gỡ vướng chính sách để đủ đất đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam

22/10/2021

Ngày 19-10, Chính phủ đã ban hành nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc nhằm tăng công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Chính phủ gỡ vướng chính sách để đủ đất đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.
 

Lu lèn nền đất ở mố cầu Lai Phước dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: UÔNG VIỆT DŨNG

Sau 3 tháng thực hiện nghị quyết số 60/NQ-CP, các địa phương đã cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các nhà thầu, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nguồn đất đắp nền cho đường cao tốc, nhất là trong năm 2021 vẫn còn thiếu với khối lượng lớn, không đáp ứng được theo yêu cầu tiến độ thi công dự án đường cao tốc.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án đường cao tốc, Chính phủ ban hành nghị quyết số 133/NQ-CP sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dung cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.

Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác.

 

Riêng đối với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án đường cao tốc, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

Với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân là nhà thầu, nhà đầu tư sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ để địa phương quản lý theo quy định của Luật khoáng sản và pháp luật liên quan.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần. Đến nay, đã có 10 dự án thành phần được khởi công xây dựng.

Theo Bộ Giao thông vận tải ngày 16-6-2021, Chính phủ ban hành nghị quyết 60/NQ-CP đã tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ, góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường cho dự án.

Tuy nhiên, đến tháng 9-2021 vẫn còn 9 trong số 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua địa bàn 11 tỉnh thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường ở các mức độ khác nhau. Tổng khối lượng thiếu hụt khoảng 23 triệu m3. Việc thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường sẽ dẫn tới chậm tiến độ thi công, không giải ngân được vốn đầu tư công.

Đến cuối tháng 9-2021, các địa phương đã bàn giao 642,4km trong tổng số 652,86km của dự án (đạt 98,4%). Còn 10,46km chưa bàn giao mặt bằng có nguyên nhân chủ yếu do chậm trễ trong di dời đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông; chậm xây dựng các khu tái định cư…

Trước tình hình đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu UBND các tỉnh tập trung hoàn thành, bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án theo đúng cam kết, chậm nhất là ngày 30-10-2021; các tập đoàn EVN, VNPT, Viettel phối hợp chặt chẽ với các địa phương để di dời đường điện, viễn thông.

 

Báo Tuổi trẻ
Thống kê truy cập