Ngoài hai đại dự án cao tốc vừa khánh thành đầu tháng 9 là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Hạ Long - Hải Phòng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hàng chục công trình được đưa vào sử dụng, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sẽ là cú hích mạnh mẽ phát triển KT-XH đất nước và các địa phương nơi dự án đi qua.
8 tháng, đưa 10 dự án vào khai thác
Nằm trên địa phận tỉnh Đồng Tháp, Cao Lãnh là cây cầu thứ ba bắc qua sông Tiền được Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác từ cuối tháng 5/2018 sau hơn 4 năm triển khai xây dựng. Với cầu chính dài hơn 2km và phần đường nối khoảng 23,45km (tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng), dự án được đưa vào sử dụng không chỉ xóa cảnh đò ngang cách trở mà còn giảm tải cho tuyến QL1, hình thành nên một trục cao tốc phía Tây từ TP HCM đến Kiên Giang trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cầu Cao Lãnh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Công trình hoàn thành hiện thực hóa ước mơ bao đời của nhân dân đôi bờ sông Tiền, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân vùng ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi giữa TP HCM, các tỉnh Ðông Nam bộ với ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá về dự án này: “Để ĐBSCL phát triển bền vững, phát huy hết lợi thế, việc đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại là yêu cầu bức bách và cần thiết. Trong đó, dự án cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống là công trình giao thông quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng, cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, ngoài dự án cầu Cao Lãnh và đường nối, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, Bộ GTVT còn hoàn thành và đưa vào khai thác 9 dự án khác gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí; dự án cải tạo, nâng cấp QL38B đoạn từ QL10 đến QL1A, tỉnh Nam Định; đường dẫn cầu Bình Ca thuộc đường Hồ Chí Minh; dự án bổ sung 7km cuối tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi…
“Các dự án hoàn thành khi đưa vào khai thác đã góp phần giải quyết nhu cầu vận tải của người dân nơi dự án đi qua, phát triển giao thông liên vùng và hạn chế TNGT trên các tuyến cũ; Đồng thời, phát triển KT-XH của khu vực và địa phương”, ông Thành đánh giá.
Thêm hàng chục công trình hoàn thành cuối năm
Nằm trên tuyến nối giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Hưng Hà (tổng mức đầu tư 2.871 tỷ đồng) được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả to lớn trong việc kết nối, nâng cao hiệu quả khai thác của hai tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển KT-XH của hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Đề cập đến tiến độ của dự án, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long nói: “Hiện nay, các hạng mục của cầu Hưng Hà đã hoàn thành, nút giao mới được bổ sung với QL39 cũng đang được gấp rút thi công và sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ, đảm bảo thông xe dự án vào cuối tháng 10/2018”.
Dự kiến, các dự án hoàn thành trong quý IV/2018 gồm: Dự án mở rộng QL1 đoạn Km1027 - Km 1045+780, tỉnh Quảng Ngãi; Đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, tỉnh Gia Lai; Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc; Tiểu dự án 1, dự án cầu Bình Ca; Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình; Dự án xây dựng 2 cầu vượt trên QL1 tại các nút giao với QL1C và nút giao ngã ba Thành, tỉnh Khánh Hòa; Nâng cấp mở rộng QL15B đoạn Ngã ba Đồng Lộc - QL1, tỉnh Hà Tĩnh; Dự án nâng cao độ và mở rộng tuyến tránh Thủy điện Plei Krông trên tuyến đường HCM đoạn Tân Cảnh - Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Nâng cấp, mở rộng QL8A đoạn nối QL1 cũ với QL1 mới, tỉnh Hà Tĩnh; Đường HCM đoạn La Sơn - Túy Loan; Tuyến tránh QL1 đoạn qua TX Quảng Trị (hạng mục cầu Thành Cổ và đường dẫn).
|
Một dự án khác với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư bằng hình thức BOT do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự kiến sẽ khánh thành ngay trong tháng 9 này là cầu Việt Trì - Ba Vì. Ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, hiện các hạng mục thi công của dự án đã hoàn thành toàn bộ, đảm bảo yêu cầu thông xe trong tháng 9.
“Công trình có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là cây cầu duy nhất nối liền Thủ đô Hà Nội với đất Tổ Hùng Vương. Sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm TP Việt Trì khoảng 20-30km, giảm ùn tắc và TNGT trên QL32, QL32C, góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nơi dự án đi qua”, ông Loan chia sẻ.
Đánh giá ý nghĩa của dự án cầu Việt Trì - Ba Vì, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định: “Công trình cầu Việt Trì - Ba Vì sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ kết nối thông suốt giữa TP Việt Trì với Thủ đô Hà Nội mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hai địa phương nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch tại các khu di tích tâm linh nổi tiếng như: Quần thể di tích Đền Hùng, quần thể khu di tích Đền Thượng, Đền thờ Bác Hồ tại Vườn quốc gia Ba Vì và các khu du lịch khác”.
Theo Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT Lê Kim Thành, trong quý IV/2018, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác thêm hàng chục công trình, dự án giao thông gồm: Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; cầu Hưng Hà; cầu Việt Trì - Ba Vì; dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1027 - Km 1045+780, tỉnh Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, tỉnh Gia Lai; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc, tỉnh Bắc Kạn…
Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28/8/2018 - 1/8/2019. (Thời gian tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội. Email: bangiaothong@baogiaothong.vn; Điện thoại đường dây nóng: 0914799709. Ghi rõ trên bì thư hoặc email: “Bài tham dự Cuộc thi Báo chí viết về giao thông vận tải và thông tin cá nhân: Tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn tiện liên lạc.
|