Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành vượt tiến độ, tiết kiệm chi phí.
- Được lợi gì từ dự án BOT giao thông?
Qua công tác rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư xây dựng 6 dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL1 và bốn dự án đường Hồ Chí Minh (QL14), ước tính số vốn chưa sử dụng của 10 dự án này khoảng 2.151 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt.
Thời gian thu phí dự kiến giảm từ 4 - 56 tháng
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Ban Quản lý dự án đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) đã tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư xây dựng công trình của 6/17 dự án BOT QL1 và bốn dự án BOT đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP cho biết, qua kết quả rà soát tổng số vốn chưa sử dụng của 10 dự án ước tính khoảng 2.151 tỷ đồng.
Trong đó, 6 dự án BOT trên QL1 có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 12.016 tỷ đồng, gồm: Nghi Sơn - Cầu Giát, Nam Bến Thuỷ - tránh TP Hà Tĩnh, QL1 đoạn Km 597 - Km 605 và đoạn Km 617 - Km 641 (tỉnh Quảng Bình), dự án QL1 đoạn Km 947 - Km 987 (tỉnh Quảng Nam), dự án QL1 đoạn Km 987 - Km 1027 (tỉnh Quảng Nam), dự án QL1 đoạn Km 741-Km 756 (tỉnh Quảng Trị). Qua rà soát, dự toán dự án đã được Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra, nhà đầu tư phê duyệt hoặc dự kiến phê duyệt là 10.424 tỷ đồng. Số vốn chưa sử dụng theo tổng mức đầu tư được duyệt so với giá trị dự toán khoảng 1.592 tỷ đồng.
Tương tự, bốn dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 4.601 tỷ đồng, gồm: Dự án QL14 đoạn Pleiku - cầu 110 Km 542 - Km 607+850, dự án QL14 đoạn Km 1733+148 - Km 1763+610 (tỉnh Đắk Lắk), dự án QL14 đoạn Km 1793+600 - Km 1824+00 (tỉnh Đắk Nông), dự án QL14 đoạn cầu 38 - Đồng Xoài (Km 921 - Km 962, tỉnh Bình Phước). Qua rà soát, dự toán dự án đã được Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra, chủ đầu tư phê duyệt hoặc dự kiến phê duyệt là 4.042 tỷ đồng. Số vốn chưa sử dụng theo tổng mức đầu tư được duyệt so với giá trị dự toán khoảng 559 tỷ đồng.
“Qua kết quả rà soát, tổng số vốn chưa sử dụng của 10 dự án khoảng 2.151 tỷ đồng. Đồng thời, giá trị quyết toán để tính toán lại thời gian thu phí chính thức dự kiến của các dự án sẽ còn thấp hơn với giá trị dự toán phê duyệt”, lãnh đạo Ban PPP thông tin.
Liên quan đến thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án, ông Huy cho biết thêm, hiện nay, Ban PPP đã cập nhật phương án tài chính theo giá trị dự toán và mức thu phí theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Thời gian hoàn vốn của các dự án dự kiến sẽ giảm từ 4 đến 56 tháng tùy theo từng dự án. “Sau khi có giá trị quyết toán công trình, Ban PPP sẽ tham mưu trình lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các bên liên quan cập nhật chính thức phương án tài chính để xác định chính xác thời gian thu phí và ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh”, ông Huy cho hay.
Liên quan đến kết quả rà soát, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lý giải việc bốn dự án trên đường Hồ Chí Minh tiết giảm kinh phí đầu tư khoảng 559 tỷ đồng do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các dự án đã rút ngắn được tiến độ thi công, từ đó tiết kiệm được lãi suất trong thời gian xây dựng, chi phí dự phòng, điều chỉnh giải pháp kỹ thuật,…Nhiều yếu tố tiết giảm kinh phí đầu tư
Đề cập cụ thể từng yếu tố tác động đến việc tiết giảm kinh phí đầu tư, ông Huấn phân tích: “Theo quy định của Thông tư 04 năm 2010 của Bộ Xây dựng về lập tổng mức đầu tư, chi phí dự phòng bao gồm dự phòng khối lượng (10%) và dự phòng trượt giá theo thời gian thi công được tính theo chỉ số giá xây dựng hàng năm. Trong quá trình thực hiện dự án, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã hoàn thành trước 1,5 năm so với yêu cầu.
Việc đẩy nhanh tiến độ đã tiết kiệm được chi phí trượt giá. Cùng với đó, chỉ số giá xây dựng thực tế những năm gần đây cũng thấp hơn dự kiến so với lúc lập tổng mức đầu tư ban đầu”. Mặt khác, tiến độ công trình được rút ngắn so với thời gian dự kiến ban đầu giúp dự án tiết kiệm đáng kể chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng. Trong phương án tài chính của dự án BOT, lãi vay trong thời gian xây dựng được xác định trên tổng số tiền vay và tiến độ giải ngân.
Thông tin thêm với Báo Giao thông, đại diện liên danh nhà đầu tư dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, sau khi rà soát và tính toán lại thời gian thu phí hoàn vốn của dự án này dự kiến giảm khoảng 4 năm 1 tháng so với hợp đồng ban đầu.
|
“Việc rút ngắn thời gian thi công đã tiết kiệm được chi phí lãi vay. Đặc biệt, mức lãi suất thực tế trong thời gian xây dựng giảm nhiều so với lãi suất tại thời điểm đàm phán hợp đồng BOT cũng tiết kiệm đáng kể chi phí lãi vay cho dư án”, ông Huấn nói và dẫn chứng tại dự án BOT mở rộng QL1 Bắc Bình Định dự kiến chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng tiết kiệm được khoảng 82 tỷ đồng.
Tại dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát do Ban QLDA1 là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Qua công tác rà soát, ước tính dự toán của công trình là 2.664 tỷ đồng, giảm 964 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu (3.628 tỷ đồng). Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA1 cho biết, tiến độ thi công thực tế của công trình rút ngắn hơn một năm so với dự kiến. Chi phí dự phòng của dự án (722 tỷ đồng) được tính trong tổng mức đầu tư nhưng không sử dụng đến, đồng thời dự án tiết kiệm được trên 260 tỷ đồng lãi vay trong thời gian xây dựng,… là những yếu tố kéo giảm kinh phí do rút ngắn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo sinh hoạt của người dân trong khu vực dự án nhưng vẫn đảm bảo quy mô và chất lượng công trình. “Theo phương án đầu tư ban đầu, trên tuyến sẽ tiến hành xây dựng mới 11 cây cầu để thay thế những cây cầu cũ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, sau khi rà soát, đánh giá lại chúng tôi chỉ tiến hành xây dựng mới một cây cầu và tận dụng sửa chữa lại 10 cầu cũ nhưng vẫn đảm bảo an toàn công trình góp phần tiết giảm đáng kể kinh phí cho dự án”, ông Bình nói.
Nguồn Báo Giao thông