Đường Hồ Chí Minh: Sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai

27/7/2018

Vượt qua điều kiện thi công cực kỳ khó khăn, địa hình phức tạp lại vô cùng nguy hiểm với hàng nghìn tấn bom mìn sót lại từ thời chiến tranh, những chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong, kỹ sư cầu đường, công nhân ngành giao thông đã ngày đêm cùng nhau thi công để hồi sinh và phát triển con đường lịch sử Hồ Chí Minh, tạo nên mạch máu thứ 2 cho đất nước và cũng là sợi dây kết nối đầy ý nghĩa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi. Ảnh: PV

Hành trình mở đường gian khổ và thầm lặng

Ngày nay, đi trên con đường mới mướt màu xanh từ Cao Bằng tới tận Đất Mũi Cà Mau, ít ai biết hành trình hồi sinh con đường kháng chiến lịch sử đã trải qua những ngày tháng vất vả ra sao.

Chia sẻ với báo Lao Động, ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh - đại diện Chủ đầu tư dự án - cho biết, từ những ngày đầu khởi công, dự án đã như một “cuộc đua tổng lực” với sự tham gia của các đơn vị khảo sát thiết kế, thi công chuyên nghiệp của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, lực lượng thanh niên xung phong và các đơn vị mạnh của các địa phương có tuyến đường đi qua, đặc biệt có sự chung vai sát cánh của người anh em Cuba trong vai trò tư vấn giám sát.

“Dự án là một thử thách rất lớn không chỉ của ngành giao thông bởi địa hình hiểm trở núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đặc biệt là nhánh phía Tây từ Khe Gát, Quảng Bình tới Thạnh Mỹ, Quảng Nam. Để khởi công được vào năm 2000, các kỹ sư, chiến sĩ đã dầm mưa dãi nắng để khảo sát địa hình, vạch tuyến cũng như tiến hành rà soát, xử lý bom mìn” - ông Hoàng cho biết.

Theo thống kê của BQL dự án, chỉ tính riêng đoạn từ Thanh Hóa vào đến Quảng Nam trong quá trình giải phóng mặt bằng, bộ đội công binh đã dò tìm, phát hiện, xử lý khoảng 120 quả bom, 6.345 quả bom bi, hơn 10.000 vật nổ các loại…

Khó khăn không chỉ ở địa hình hiểm trở mà còn ở khí hậu khắc nghiệt khi nắng gắt khi mưa rừng xối xả, điều kiện ăn ở của người lao động rất khó khăn. Đặc biệt khu vực từ Quảng Bình trở vào, tuyến đường luôn chịu ảnh hưởng của 2 vùng khí hậu Đông và Tây Trường Sơn.

Nhiều đoạn tuyến đi qua vùng dốc nguy hiểm như đèo Đá Đẽo, U Bò, B2, Sa Mù, đoạn A Đớt - A Tép, đèo Lò Xo... nhất là vùng này đã bị tập trung đánh phá trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục nghìn hố bom vẫn còn nằm rải rác trên ta luy dương, những đoạn do địa hình khống chế phải đào sâu từ 30-100m hoặc đắp cao hoặc đi qua các vùng địa chất yếu, sình lầy… Là nguy cơ tiềm ẩn luôn rình rập gây sụt lở dọc tuyến đường.

Vượt lên tất cả, ngay từ những ngày đầu, những người tham gia xây dựng con đường đã liên tục thi đua với khẩu hiệu 4 nhất “Chất lượng cao nhất, tiến độ nhanh nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất”. Quyết tâm cao đã giúp dự án về đích đúng tiến độ và đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối.

Cũng từ trong khó khăn nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học công nghệ đã được người lao động sáng tạo ra như dùng chất phụ gia tăng dính bám giữa nhựa đường và đá làm tăng độ bền của mặt đường hay áp dụng các công nghệ xử lý sụt trượt tiên tiến như công nghệ neo OVM, trồng cỏ Vetiver, rọ đá Macaffery...

Cũng qua dự án này, cơ quan chức năng cũng xây dựng, hoàn thiện được định mức đơn giá, chế độ mang tính đặc thù cho rất nhiều dự án giao thông sau này.

Mạch máu đất nước, cầu nối kinh tế xã hội và tâm linh

Sau 18 năm nỗ lực thi công, đến nay, đường Hồ Chí Minh đã tiến tới gần cuối giai đoạn 2, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 2.180km/2.744km và khoảng 258km tuyến nhánh, trong đó, điểm nhấn đáng chú ý nhất là đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Chỉ sau một thời gian ngắn chuẩn bị và sau 1,5 năm triển khai thi công (từ cuối năm 2013 đến tháng 6.2015), toàn bộ 419km đi qua 5 tỉnh Gia lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước đã hoàn thành, vượt tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên cũng được lựa chọn là công trình gắn biển chào mừng 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT và các ngày lễ lớn của đất nước.

Dự án được đánh giá không chỉ đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư khi đóng vai trò là xương sống thứ 2 của đất nước, hỗ trợ Quốc lộ 1, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới phía Tây tổ quốc mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và du lịch các địa phương phía Tây đất nước, những vùng đất vốn hoang sơ, nghèo khó.

Đường đi đến đâu cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các tỉnh phía Tây tổ quốc đổi thay đến đấy, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Không chỉ vậy, đây còn là cầu nối tâm linh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân thế hệ đi trước.

“Nếu trước đây, việc thăm viếng, quy tập di hài của các liệt sĩ, tôn tạo các nghĩa trang tại đây rất khó thực hiện thì nay chúng ta có cơ hội đến thăm viếng tri ân hàng triệu liệt sĩ đã nằm lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, đặc biệt là trong những ngày tháng 7 này. Đó là một trong những ý nghĩa đặc biệt của tuyến đường này” - ông Lâm Văn Hoàng nhận định.

Đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào ngày 5.4.2000 trong điều kiện thi công rất khó khăn, địa hình, địa chất phức tạp, núi cao, vực sâu; khí hậu khắc nghiệt, khó lường… Sau 7 năm thi công giai đoạn 1 của dự án với chiều dài khoảng 1.350km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) và khoảng 220km các tuyến nhánh nối đường Hồ Chí Minh với các tỉnh lộ, khu du dịch và khu di tích lịch sử đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và tiết kiệm. Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 được lựa chọn là công trình tiêu biểu ngành GTVT (năm 2008).

Từ năm 2007, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 được tiếp tục triển khai thi công ở cả ba khu vực, phía Bắc từ Hà Nội đến Cao Bằng, phía Nam từ Bình Phước đến Cà Mau và khu vực Tây nguyên.

Theo các Nghị Quyết của Quốc hội, Đường Hồ Chí Minh sẽ được nối thông toàn tuyến tối thiểu 2 làn xe vào năm 2020, sau năm 2020 sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp một số đoạn thành đường cao tốc. Hiện nay, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang nỗ lực để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

 

Báo Lao Động
Thống kê truy cập