Đường Hồ Chí Minh đánh thức kinh tế Tây Nguyên

31/5/2015

Đường HCM không chỉ thuận tiện đi lại mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.

 
 Đường Hồ Chí Minh đẹp như một dải lụa qua những buôn làng Tây Nguyên 
Tháng 6/2015, đường HCM qua Tây Nguyên và Bình Phước thông toàn tuyến, vượt tiến độ 18 tháng. Từ đây, đường HCM không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là thuận tiện đi lại cho nhân dân, mà còn có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.

Kỳ 1: Về đích sớm ngày nào,Tây Nguyên thay đổi ngày đó

Tháng 6/2015, đường HCM hoàn thành, nhưng ngay từ những ngày đầu năm 2015 các hoạt động đầu tư kinh tế Tây Nguyên đã sôi động.

Người dân háo hức

Đường HCM đoạn qua Tây Nguyên dài 553 km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) nối liền Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Miền Trung, vùng Đông Nam bộ, TP HCM. Sau khi tuyến đường hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ tạo “sức bật” cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu TNGT, làm thay đổi bộ mặt vùng Tây Nguyên rộng lớn.

Từ năm 2007, dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng đường HCM qua Tây Nguyên đã được khởi động. Tuy nhiên, khi mới thực hiện gặp giai đoạn kinh tế khó khăn, nên các dự án bị chậm lại. Đến năm 2014, đường HCM mới đồng loạt thi công lại và kế hoạch sẽ hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2016. Năm 2014, Ban QLDA đường HCM họp bàn quyết định phải hoàn thành dự án vào giữa năm 2015, sớm hơn kế hoạch 18 tháng.

Trên một chuyến xe ngược Tây Nguyên, cụ Nguyễn Thị Mẫn, 82 tuổi, quê gốc Thừa Thiên - Huế, tâm sự với PV Báo Giao thông: “Năm 1977, tui lên Đắk Lắk tìm chồng. Khi đi, người thân ghi địa chỉ nơi chồng tui đang làm vô tờ giấy. Tuy nhiên, sau hai ngày một đêm mới tới Bến xe Đắk Lắk, coi lại tờ giấy bị mất khi mô không biết nữa. Tui chỉ biết lần mò ba ngày ba đêm cứ gặp ai cũng hỏi ở mô có người gốc Huế liền đến. May sao gặp được người quen. Từ đó tui ở lại Tây Nguyên với chồng, sợ đường sá xa xôi không dám về quê nữa. Vừa qua mấy đứa con nó nói, con đưa mệ về quê ăn giỗ. Đường đẹp lắm, lại có xe giường nằm, đi một đêm thôi mình đã về tới Huế rồi. Đúng như mấy đứa nói, về tới quê cứ gặp người thân là tôi lại khóc. Cứ nghĩ rằng đời mình sẽ chẳng bao chừ được nhìn thấy quê hương nữa”.

Đầu năm 2015, đi qua huyện Bù Đăng (Bình Phước) gặp nhà thầu đang thổi bụi để thảm bê tông nhựa, gió thổi tạt vào những nhà dân ven đường, lúc đó ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM liền chỉ đạo nhà thầu để đến đêm hãy làm, tránh ảnh hưởng đến dân và phương tiện đi lại. Một người dân gần đó nghe thấy vậy liền nói: “Cứ thổi đi anh, tôi biết các anh thổi bụi để thảm nhựa, mai có đường đẹp rồi. Chúng tôi chịu bụi bốn năm nay rồi, giờ bụi một tí cũng không sao đâu”.

Quả là vậy, người dân Bình Phước đã phải chịu cảnh sống với bụi bốn năm nay khi con đường bị tạm ngưng vì thiếu vốn. Giờ được Bộ GTVT chỉ đạo thi công thần tốc, trải thảm nhựa trên con đường mới, bà con vui mừng cũng là điều dễ hiểu.

Đường Hồ Chí Minh đẹp hiện đại qua các đô thị Tây Nguyên

Hấp dẫn nhà đầu tư

Ông Lâm Văn Hoàng chia sẻ: “Tháng 10/2014, báo cáo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, mình nói cũng hơi liều. Dám hứa đến Tết sẽ thảm được 70% bê tông nhựa lớp 1 và giữa năm 2015 sẽ hoàn thành dự án. Ông Hùng hỏi lại đột ngột: Liệu có được không?”. Đến khi thấy tuyến đường thay đổi từng ngày, ông Trần Việt Hùng thường xuyên hỏi thăm động viên anh em. Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo các tỉnh kêu gọi đầu tư vào Tây Nguyên càng sớm càng tốt. Ban chỉ đạo Tây Nguyên sẽ sớm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên để cho các nhà đầu tư đến, nhìn thấy sự thay đổi bất ngờ về giao thông, thuận lợi để chọn đầu tư vào Tây Nguyên.

Ngày 17/5, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên đã được Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức thành công rực rỡ. Ngay tại hội nghị có 13 doanh nghiệp ký kết thực hiện 13 dự án với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỷ đồng. Số vốn đầu tư vào Tây Nguyên này lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra có 8 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng đầu tư vốn với 17 doanh nghiệp thuộc 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay dài hạn với số tiền khoảng 15 nghìn tỷ đồng để tập trung sản xuất các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn Tây Nguyên. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Tiến Phương khái quá tổng thể các thế mạnh đầu tư Tây Nguyên, nhưng trước hết ông đề cập đến phát triển giao thông. Thông thương với Tây Nguyên có hai trục chính là đường bộ và đường không. Đường bộ có hai tuyến chính là đường HCM và QL20, ngoài ra có ba cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai). Tuy nhiên, hạn chế vùng Tây Nguyên là không có đường sắt, cho nên đường bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đường HCM xuyên dọc Tây Nguyên kết nối với các tỉnh đồng bằng và các cảng biển lớn, cũng như thông thương với hai nước Lào và Campuchia qua hai cửa khẩu lớn Bờ Y và Lệ Thanh.

Thống kê truy cập