Những nút thắt cản trở thông tuyến
Theo Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 38/2004/QH11 thì đến năm 2020 đường Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Mặc dù Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) trong thời gian qua đã rất tích cực, nỗ lực thực hiện nhưng với tình hình khó khăn về nguồn vốn như hiện nay khó có thể hoàn thành toàn bộ dự án theo tiến độ trên.
Trao đổi với Tạp chí GTVT ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 1 vừa qua, đoàn kiểm tra giám sát của Quốc hội đã đi kiểm tra một số đoạn tuyến theo Nghị quyết 66/2013/QH13. Qua khảo sát thực tế cho thấy Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh trung tâm huyện Ngân Sơn, tuyến tránh thị trấn Nà Phặc (thuộc tỉnh Bắc Kạn, dài khoảng 11km, tổng mức đầu tư 641 tỷ đồng với quy mô đường cấp III miền núi, được triển khai bằng nguồn vốn dư từ Dự án cải tạo nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) hiện nay đã cơ bản xong việc bàn giao mặt bằng chính tuyến, nhưng còn vướng mắc đường dây diện 110KV khu vực Nà Khoảng (thị trấn Nà Phặc); đã thực hiện được khoảng 70% hợp đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong Quý II/2018. Đối với đoạn đi trùng với QL3 qua địa phận tỉnh Bắc Kạn mặc dù trong Nghị quyết 66 chưa ưu tiên đầu tư nhưng hiện nay nhiều đoạn đã xuống cấp, nhiều đoạn đường hẹp, cua dốc đặc biệt các đoạn qua đèo Giàng và đèo Gió có địa hình phức tạp, nhiều đèo dốc dài, quanh co, dốc lớn, bán kính cong nhỏ và cần phải cải thiện đoạn tuyến này để đảm bảo ATGT, nâng cao năng lực khai thác.
DATP đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn (thuộc tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang) có chiều dài 47Km, tổng mức đầu tư khoảng 2.727 tỷ đồng. Do khó khăn về nguồn vốn, trước mắt đầu tư đoạn Chợ Mới - Chợ Chu dài khoảng 17Km, TMĐT 926 tỷ đồng, quy mô đường cấp III miền núi, được triển khai bằng vốn dư của QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Công tác GPMB vẫn còn vướng 300m, khối lượng thực hiện đạt khoảng 84% hợp đồng và dự kiến hoàn thành trong Quý II/2018. Đoạn còn lại khoảng 30Km từ Chợ Chu đi Ngã ba Trung Sơn chưa triển khai thi công, phương tiện giao thông đang phải lưu thông qua các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đến Ngã ba Trung Sơn để qua cầu Bình Ca sang QL2 nên chưa thật sự phát huy hiệu quả dự án.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đi trùng quy hoạch cao tốc Bắc - Nam) có chiều dài khoảng 102Km (trong đó xây dựng mới 86,7Km; tận dụng 15,5Km đi trùng với tuyến tránh TP Huế), với quy mô 4 làn xe… trước đây theo Nghị quyết 66/2013/QH13 dự án dự kiến được đầu tư theo hình thức BT, tiến độ triển khai từ năm 2014 -2017, tuy nhiên do thu xếp nguồn vốn khó khăn nên đến cuối năm 2017 đoạn này được Quốc hội thông qua chủ trương triển khai đầu tư theo hình thức công tư tại Nghị quyết số 52/2017QH14 ngày 22/11/2017. Hiện nay, công tác khảo sát, cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành và dự kiến được phê duyệt trong tháng 5/2018, phấn đấu khởi công đầu năm 2019. Như vậy, đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ chậm 3 - 4 năm so với yêu cầu của Nghị quyết 66 của Quốc hội.
Cũng theo ông Hoàng, bên cạnh đó Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan có chiều dài 78Km (đi trùng quy hoạch cao tốc Bắc - Nam) đi qua 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng với quy mô 4 làn xe, tốc độ 60 -80Km/h, dự án có tổng mức đầu tư 11.485.842 triệu đồng, vốn vay Nhật Bản. Dự án được đầu tư theo hình thức BT và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Mặc dù với sự cố gắng từ địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu… tuy nhiên do có một số chủ trương bổ sung từ Chính phủ, thời tiết khó khăn, địa hình hiểm trở (địa hình phức tạp nhất trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam), GPMB chậm nên dự kiến hoàn thành tháng 12/2018, chậm 1 năm so với Nghị quyết 66. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là vướng mặt bằng đoạn Hòa Liên - Túy Loan (mới bàn giao được 1,88Km/11,5Km ~ 16%). Nếu tiến độ giải phóng mặt bằng chậm trễ (đến cuối tháng 2/2018 không bàn giao dứt điểm toàn bộ mặt bằng) sẽ ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án và phương án tài chính của dự án sẽ thay đổi.
Tháo gỡ các nút thắt
Ngày 26/2 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng - Trưởng đoàn kiểm tra đã có báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vướng mắc của dự án và đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng quan tâm giám sát việc thực hiện Dự án qua địa phương mình, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB (đặc biệt là đoạn qua Đà Nẵng) để kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án cũng như thực hiện tốt công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ. Đối với Chính phủ, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để sớm đầu tư nhằm cải thiện hướng tuyến để nâng cao năng lực khai thác và đảm bảo ATGT đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đi trùng QL3 qua đèo Giàng và đèo Gió tỉnh Bắc Kạn; sớm đầu tư đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn để nối thông đường Hồ Chí Minh đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Chỉ đạo Bộ GTVT sớm xem xét, phê duyệt phương án chỉnh sửa thiết kế, thi công 2 tuyến tránh Ngân Sơn và tuyến Nà Phặc và đoạn còn lại của tuyến đường Hồ Chí Minh đi trùng QL3 nhằm hạn chế cua gấp tay áo, độ lớn dốc để tăng năng lực khai thác, đảm bảo ATGT cho phương tiện qua lại. Đồng thời rà soát, tổng hợp tất cả những đoạn tuyến thuộc các dự án thành phần của dự án đường Hồ Chí Minh chưa được triển khai đầu tư (như các đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận; Chơn Thành- Đức Hòa; Đoan Hùng - Chợ Bến…), báo cáo Chính phủ và Quốc hội xem xét, bố trí cân đối nguồn vốn phù hợp cho các dự án trong thời gian tới, đảm bảo tiến độ nối thông toàn tuyến vào năm 2020 theo Nghị quyết 66/2013/QH13.
Chỉ đạo các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phối hợp hoàn thiện và sớm thông qua khung chính sách GPMB dự án Cam Lộ - La Sơn làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai đẩy mạnh công tác GPMB sau khi dự án được phê duyệt. Chỉ đạo các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Trị và đặc biệt TP Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm bàn giao mặt bằng những đoạn còn vướng để có mặt bằng triển khai thi công và thực hiện dự án đồng bộ, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ tránh lấn chiếm.
Bên cạnh đó Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị Bộ GTVT tổ chức lập và công bố định mức xây dựng cho các công việc đặc thù chuyên ngành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng để triển khai cho dự án BT La Sơn - Túy Loan. Đồng thời sớm nghiên cứu và phê duyệt chỉnh sửa phương án thiết kế, thi công đối với 2 tuyến tránh Ngân Sơn và tuyến tránh Nà Phặc và đoạn còn lại của tuyến đường Hồ Chí Minh đi trùng với QL3, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn nhằm hạn chế cua gấp tay áo, bán kính cong nhỏ, độ dốc lớn, để tăng năng lực khai thác, đảm bảo ATGT cho các phương tiện qua lại, trường hợp vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT cần sớm báo cáo Chính phủ, các cơ quan Quốc hội.
Tiếp thu những chỉ đạo của Đoàn Giám sát, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu, Tư vấn giám sát tích cực phối hợp với địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng để có công địa đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án trong Quý II/2018. Đồng thời Thứ trưởng cũng kiến nghị Đoàn Giám sát báo cáo Quốc hội xem xét sớm bố trí vốn cho DA để triển khai các đoạn còn lại. Sau khi được bố trí vốn, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các DA, phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo tiến độ yêu cầu của Nghị quyết 66 nhằm sớm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.