Cụ thể, đó là các dự án: Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho công tác giải phóng mặt bằng); Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1 (tỉnh Bình Định); Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13;
Và loạt dự án BT phải thanh toán từ ngân sách trung ương như: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 20 – Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2, Dự án Đầu tư xây dựng ngã ba Huế…
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chưa bố trí được nguồn vốn cho các dự án trên là do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc sử dụng các khoản dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng chưa được Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu chính phủ để giải quyết trước một số dự án thực sự cấp thiết như: Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nêu trên.
Về dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng mức đầu tư của dự án này là 312.435 tỷ đồng (cho 1.372km giai đoạn 2017 – 2025).
Trong giai đoạn I (từ 2017 – 2025) dự án được đầu tư theo 2 mức ưu tiên. Ưu tiên 1 (2017 – 2020) sẽ đầu tư 713km từ 11 dự án thành phần: gồm 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (các đoạn từ mai Sơn - Bãi Vọt và đoạn Nha Trang - Dầu Giây); 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công (mở rộng đoạn Cam Lộ - La Sơn lên 04 làn xe; Cao Bồ - Mai Sơn; La Sơn - Túy Loan) với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng;
Ưu tiên 2 (từ 2021 - 2025) đầu tư khoảng 659km chia thành 9 dự án thành phần từ Bãi Vọt - Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang theo hình thức PPP; tổng mức đầu tư khoảng 113.096 tỷ đồng.
Giai đoạn II (sau 2025) sẽ đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch, tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỷ đồng.
Đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 114.450 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2014). Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua và dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào năm 2019.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Chính phủ đã trình Quốc hội trong kỳ họp này việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước.
Về nguồn vốn thực hiện, dự kiến nhu cầu để giải phóng mặt bằng, tái định theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai là 23.019 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2017). Tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016, Quốc hội đã cho phép sử dụng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với số vốn còn thiếu khoảng 18.019 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để tiếp tục triển khai thực hiện.