Nếu đủ vốn sẽ thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh năm 2020

31/10/2013

“Nếu được cấp đủ vốn và chính quyền các địa phương bàn giao đủ mặt bằng, Bộ GTVT sẽ thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với 2 làn xe chạy từ Pác Bó (Cao Bằng) tới Đất Mũi (Cà Mau) trong 6 - 7 năm tới”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh diễn ra mới đây.

Thực tế, so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 38 tiến độ hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án là nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ gia hạn thêm khoảng 5 năm.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 và đầu năm 2016 sẽ cơ bản nối thông từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe trong đó có tận dụng một số tuyến đường hiện hữu: đoạn từ Chợ Mới đến Phú Hộ (tận dụng Quốc lộ - QL3, 7, 2); đoạn Cam Lộ - Túy Loan (QL9, QL1) và đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận (QL63). Đối với đối với 2 vị trí vượt sông Tiền và sông Hậu vẫn sẽ thông xe bằng cụm phà lớn Cao Lãnh và Vàm Cống.

Bộ trưởng Thăng cho biết: Nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung cho giai đoạn này là 15.285 tỷ đồng (gồm 10.000 tỷ đồng cho dự án nâng cấp QL14 qua Tây Nguyên; 5.285 tỷ đồng cho các dự án đình hoãn và thiếu vốn) và vốn BOT là 5.890 tỷ đồng.

Dự án đường Hồ Chí Minh (ảnh: Hà Nội Mới)
Dự án đường Hồ Chí Minh (ảnh: Hà Nội Mới)

Theo tính toán của Bộ GTVT, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 sẽ nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe (riêng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đoạn nối 2 cầu với quy mô 4 làn xe - PV), nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung khoảng hơn 8.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động theo hình thức BT khoảng 22.700 tỷ đồng (thanh toán cho nhà đầu tư sau năm 2020), nguồn vốn dự kiến huy động theo hình thức BOT khoảng hơn 16.200 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA khoảng gần 22.700 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung đến năm 2020 để đầu tư thông tuyến với quy mô 2 làn xe khoảng 24.000 tỷ đồng; còn lại vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT khoảng 22.100 tỷ đồng, vốn đầu tư theo hình thức BT khoảng 22.700 tỷ đồng và vốn vay ODA khoảng 22.653 tỷ đồng.

Sau khi nghe Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá: Trong bối cảnh tình hình tài chính và điều kiện thực tế thi công, việc điều chỉnh kế hoạch thông tuyến cũng như bố trí vốn như vậy là hợp lý.

Cần thêm hơn 24.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Được biết, trong tổng số gần 91.500 tỷ đồng nhu cầu vốn cho đường Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020, Bộ GTVT đã cơ bản lo xong khoảng 22.700 tỷ đồng vốn ODA cho Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long với điểm nhấn là 2 công trình cầu dây văng Vàm Cống, Cao Lãnh. Trong cơ cấu 24.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến có khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ xin chủ trương của Quốc hội tại kỳ họp này chi cho đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 - 2015, nhu cầu vốn trái phiếu cho 5 năm còn lại chỉ là 14.000 tỷ đồng.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 là một chủ trương lớn, hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Về cơ bản, dự án đã triển khai bám sát các mục tiêu nêu trong báo cáo của Chính phủ số 1581/CP-CP ngày 22/10/2004 về Dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh, cũng như Nghị quyết 38/2004/QH11.

Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết, có một số thông số kỹ thuật trong Nghị quyết không phù hợp với thực tiễn và với khả năng thực hiện; tiến độ thực hiện dự án chậm do khả năng bố trí nguồn vốn... Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Về việc điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến (tăng 16 km), đa số các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc điều chỉnh này về cơ bản không làm thay đổi tính chất của dự án và sai số chỉ là 0,5% nên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, do đường Hồ Chí Minh được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, với các đoạn tuyến có mức độ quan trọng khác nhau nên đề nghị Chính phủ cần nêu rõ chiều dài của các đoạn tuyến xây dựng mới; các đoạn tuyến nâng cấp trên cơ sở đường hiện có; các tuyến nhánh nối với trung tâm kinh tế, di sản lịch sử-văn hóa...

Dự án đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng quốc gia, vì vậy Dự án cần được ưu tiên bố trí đủ vốn tránh tình trạng phải đình hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn gây lãng phí lớn như thời gian qua.

Theo nguồn Báo Dân trí

Thống kê truy cập