9 tháng hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề, nếu toàn Ngành không tập trung, không khắc phục những tồn tại được chỉ ra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Đông đảo các đồng chí lãnh đạo tham dự Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đánh giá và ghi nhận phần nhận xét của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng như các báo cáo tham luận chuyên ngành và ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị. Theo Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo các ngành, đơn vị đã báo cáo công việc khá rõ nét, tinh thần các đồng chí đã nhìn đúng và thẳng vấn đề.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ vai trò của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, phải tập trung nỗ lực và người Thủ trưởng các cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành hay không tại đơn vị mình, không đổ lỗi cho tại cơ quan khác.
“Cơ quan đơn vị nào có nhiều vụ việc xảy ra thì Thủ trưởng cơ quan đó không thể nào là cá nhân hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng cương quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo từng vấn đề cụ thể để toàn Ngành phải tập trung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng đánh giá các cơ quan đã làm tương đối tốt như tham mưu, chủ trì điều chỉnh các luật, quy hoạch, thông tư… đều hoàn thành đúng tiến độ của Chính phủ, Quốc hội đề ra. Một số sự việc mang tính đột xuất cũng xử lý tương đối tốt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn chỉ ra nhiều hạn chế như nội dung các văn bản khi ban hành vẫn bị dư luận xã hội phản biện thiếu tích cực, nguyên nhân là do các cơ quan soạn thảo chưa tốt, chưa sát thực tiễn, chưa phù hợp hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong 3 tháng cuối năm phải hoàn thành 100% Văn bản đã được giao và không vì số lượng mà lơ là nội dung, chất lượng của các văn bản. Mà trách nhiệm chính để văn bản kém là đơn vị ban hành, kế đó là trách nhiệm các cơ quan thẩm định. Do vậy, khi soạn thảo, khi ban hành phải cực kỳ có trách nhiệm.
“Xây dựng thể chế không mất tiền, chỉ cần đủ trách nhiệm, đủ năng lực, soạn thảo trên cương vị của người được điều chỉnh là người dân và doanh nghiệp thì văn bản mới đi vào cuộc sống. Ban hành văn bản kém hiệu quả chỉ lãng phí thời gian, công sức và nguồn lực của Ngành cũng như gây những hiệu ứng xã hội không tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về lĩnh vực xây dựng cơ bản, và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng khẳng định đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của Ngành bởi hạ tầng giao thông tốt, kết nối hiệu quả vùng miền, kết nối được các phương thức vận tải từ nhà ga hàng không với cảng biển, đường thuỷ…sẽ là cú hích để thúc đẩy phát triển mọi ngành kinh tế khác.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao thành tích mà Ngành đạt được trong 9 tháng. Cụ thể là đã vận hành thử và sẵn sàng vận hành thương mại đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông; khánh thành cầu Bạch Đằng; cầu Cao Lãnh; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; một số các nhà ga…đã dứt điểm được nhiều công trình phức tạp, dở dang.
Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm
Bộ trưởng cũng yêu cầu toàn Ngành tập trung vào các dự án lớn như: Cao tốc Bắc Nam nhánh Đông; Sân bay Quốc tế Long Thành; Sửa chữa nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất; Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam;
Tuy nhiên trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cũng chỉ rõ tiến độ giải ngân của nhiều đơn vị còn kém. “Trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị ở đâu? Đơn vị nào còn chưa chủ động tích cực điều động, phân khai vốn”, Bộ trưởng nêu câu hỏi.
Về lĩnh vực ATGT, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng chúng ta chưa đạt được kết quả như ý muốn mặc dù số vụ TNGT giảm 8%, bị thương giảm 10% nhưng số người chết chưa giảm đúng 5% theo nhiệm vụ mà Quốc hội giao.
Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Ủỷ ban ATGT và các cơ quan liên quan cần rà soát, nghiên cứu, chỉ ra nguyên nhân để tìm cách khắc phục các vụ mất ATGT nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm của cả đường bộ, đường sắt, hàng không…
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải tham mưu cho lãnh đạo Bộ cũng như phối hợp với các địa phương đưa ra nhiều giải pháp trong 3 tháng cuối năm.
“Bởi đây là 3 tháng cao điểm khi lưu lượng người tham gia giao thông, dịch chuyển vùng rất lớn vì Tết Dương lịch, Noel,Tết Âm lịch và nhiều dịp lễ tết khác, phải vận dụng mọi giải pháp có thể để đảm bảo an toàn cho người dân”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Về công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng cho rằng toàn Ngành đã đạt được nhiều con số ấn tượng khi giảm 51% thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giảm hơn 44% về thủ tục hành chính nhưng Chính phủ điện tử bị tụt hạng.
“Do đó, đơn vị nào còn kém ở khâu nào phải chấn chỉnh ngay để thay đổi kết quả vào năm 2019”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Hoàn thành hầu hết các mặt công tác theo kế hoạch
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2018, Bộ GTVT đã hoàn thành hầu hết các mặt công tác theo kế hoạch đề ra.
Cụ thể, Chánh văn phòng Bộ cho biết, công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT, đầu tư phát triển KCHTGT, bảo đảm TTATGT được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Cơ bản hoàn thành chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không để nợ đọng văn bản. Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, sản lượng vận tải tăng cao, nhất là vận tải hàng hóa hàng không tăng mạnh (18,6%). Công tác chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm của ngành như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, CHKQT Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... được thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao, bám sát yêu cầu kế hoạch đề ra. Chất lượng, tiến độ các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm tiếp tục được quản lý chặt chẽ; đã kịp thời hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình trọng điểm như cầu Cao Lãnh, đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, được Chính phủ và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác CCHC, cải cách TTHC tiếp tục được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc rà soát, triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT được triển khai tích cực, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác PCTT&TKCN được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả đã góp phần giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng khôi phục hệ thống KCHTGT, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân…
Cũng tại Hội nghị, báo cáo chuyên đề về Đánh giá công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2018 tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, kết quả giải ngân các dự án ước đạt 21.326 tỷ đồng, đạt 60,21% kế hoạch năm 2018. Đã lập, trình quyết toán 28 dự án vốn NSNN, đạt 80% kế hoạch và 06 dự án BOT; đã phê duyệt quyết toán 53 dự án vốn NSNN, đạt 115% kế hoạch và hoàn thành thẩm tra 05 dự án BOT.
TNGT 9 tháng tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí
Đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý IV năm 2018, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Hoàng Thế Tùng cho biết, Bộ GTVT đã kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các đợt cao điểm, các dịp nghỉ Lễ, Tết. Công tác thẩm tra, thẩm định ATGT giai đoạn trước khi nghiệm thu đưa công trình vào khai thác được tăng cường. Đẩy mạnh kiểm tra rà soát, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT (đến nay đã xử lý 287 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT). Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn tiếp tục được chú trọng, triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. TNGT 9 tháng tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2017, cả nước xảy ra 13.242 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 1.120 vụ (giảm 7,8%), số người chết giảm 113 người (giảm 1,84%), số người bị thương giảm 1.467 người (giảm 12,45%).