Rốt ráo giải phóng mặt bằng đường cao tốc bắc - nam

14/4/2020

Dự án xây dựng đường cao tốc bắc - nam phía đông (gồm 11 dự án thành phần, chiều dài 654 km, đi qua 14 địa phương, tổng mức đầu tư gần 120 nghìn tỷ đồng) là dự án quan trọng tầm quốc gia. Quá trình triển khai thời gian qua, dự án gặp nhiều trở ngại về giải phóng mặt bằng (GPMB) do phạm vi lớn, liên quan lợi ích nhiều người dân và tổ chức sở hữu. Do đó, để phấn đấu hoàn thành vào năm 2021 như nghị quyết của Quốc hội đề ra, rất cần các địa phương rốt ráo đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, giải phóng mặt bằng.

 

Rốt ráo giải phóng mặt bằng đường cao tốc bắc - nam

Tại hai gói thầu số 8, số 9 qua thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế), các vị trí có mặt bằng đang được nhà thầu bóc lớp phong hóa, “xẻ núi” san nền đường.

Mặt bằng “xôi đỗ”

Khởi công đầu tiên trong số 11 dự án thành phần của cao tốc bắc - nam phía đông, dự án Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) khi hoàn thành sẽ kết nối đoạn La Sơn - Túy Loan và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để nâng cao hiệu quả khai thác toàn tuyến. Dự án có chiều dài hơn 98 km, phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường 12 m, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường 23 m. Một trong những khó khăn của dự án là mặc dù đã GPMB đạt khoảng 85% nhưng lại bị chia cắt, còn nhiều vị trí “xôi đỗ” xen kẽ trên tuyến khiến việc huy động phương tiện, máy móc trên công trường gặp không ít cản trở.

Giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng, đại diện chủ đầu tư cho biết, khi khởi công dự án vào tháng 9-2019, địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng 20 km, cuối tháng 3 vừa qua bàn giao được 83 km. Trong số 15 km còn lại, tỉnh Quảng Trị chỉ còn 2,3 km, Thừa Thiên Huế còn 13 km thuộc hai thị xã Hương Trà và Hương Thủy. Vướng mắc về mặt bằng tập trung chủ yếu ở khâu di dời các công trình công cộng và mồ mả do phong tục, tập quán của người dân địa phương cũng như thời gian chờ đợi khu tái định cư nghĩa trang, mất nhiều thời gian,... Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án tái định cư còn chậm, nên ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng. Trong tháng 4 này, các địa phương cam kết sẽ cơ bản bàn giao xong mặt bằng, là cơ sở để dự án đáp ứng tiến độ đề ra.

Đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thừa Thiên Huế cho hay, nguyên nhân khiến GPMB chậm trễ là do chưa xác định được chủ sở hữu, nguồn gốc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất giữa người dân và các cơ quan được giao quản lý. Một số hộ dân cho rằng, giá bồi thường về công trình, vật kiến trúc và lăng mộ không phù hợp biến động giá vật liệu xây dựng nên không hợp tác, làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ưu tiên hoàn thành các hạng mục san nền, cắm mốc phân lô, giao đất, cấp điện, nước,… để người dân xây dựng nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.

Hiện nay, trên công trường dự án Cam Lộ - La Sơn, tranh thủ thời tiết mùa khô thuận lợi, các nhà thầu huy động lực lượng triển khai thi công tại 7 gói thầu. Trong thời điểm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, các Phòng điều hành dự án tại công trường và nhà thầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch, kiểm soát chặt người ra vào công trường, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch rửa tay,... Tại hai gói thầu số 8, 9 qua thị xã Hương Trà, các vị trí có mặt bằng đang được nhà thầu bóc lớp phong hóa, “xẻ núi” san nền đường. Tại gói thầu 10 qua thị xã Hương Thủy, đang được triển khai đào đắp lớp K95, thi công cọc khoan nhồi cầu Km 88, làm bệ đúc dầm cầu Khải Định. Cuối tháng 4 này, bốn gói thầu còn lại sẽ khởi công đồng loạt, phấn đấu hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022. Hiện nay, mặc dù còn vướng mặt bằng gần 20 km theo kiểu “xôi đỗ” nhưng các nhà thầu vẫn cơ bản bám sát tiến độ. Phó Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý (phụ trách thi công đoạn tuyến Thừa Thiên Huế) cho biết, Ban đang phối hợp địa phương để tháo gỡ “điểm nghẽn” mặt bằng. Thời gian còn lại của mùa khô, các đơn vị sẽ dồn sức thi công phần nền, đào đắp, để khi vào mùa mưa, sẽ tập kết vật liệu, cấp phối, thi công phần bê-tông để tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Tại hai gói thầu xây lắp số 1 và số 2 đoạn qua tỉnh Quảng Trị, các công trình cầu đang được triển khai đồng loạt. Đoạn đầu tuyến gói 1 đang là “lá cờ đầu” tại dự án, nhà thầu Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) đã chia hai mũi thi công ngay từ đầu năm, trong tháng 3 vừa qua, tiến độ xây lắp vượt 135%.

Phối hợp chặt với địa phương

Tiến độ dự án Cam Lộ - La Sơn, “phát pháo hiệu” của 11 dự án thành phần thuộc cao tốc bắc - nam có ý nghĩa rất lớn, tác động trực tiếp đến tiến độ các dự án còn lại. Xác định tính chất quan trọng đó, đại diện chủ đầu tư, chính quyền địa phương đều hết sức chú trọng công tác GPMB, yếu tố quyết định kế hoạch thi công. Theo Giám đốc Lâm Văn Hoàng, mặc dù phần GPMB được tách ra, giao cho địa phương thực hiện, nhưng ngay từ khi khởi động dự án, PMU đường Hồ Chí Minh đã cử cán bộ thường trực tại hiện trường, phối hợp địa phương thực hiện đo đạc, kiểm đếm, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp, giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Tuyến cao tốc bắc - nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài gần 100 km, diện tích bị ảnh hưởng gần 800 ha, với hơn 8.600 hộ dân. Năm 2019, tổng kinh phí đã giải ngân cho GPMB đạt hơn 800 tỷ đồng (88,8%), nhu cầu vốn còn lại năm nay là 2.117 trên tổng số hơn 3.000 tỷ đồng (trong đó, dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 là 935 trên tổng số 1.472 tỷ đồng), tỉnh phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 4 này. Các dự án còn lại tuy chưa triển khai thi công, nhưng các chủ đầu tư đã bố trí đội ngũ nhân sự thường trực tại địa bàn để giải quyết các công việc tại hiện trường.

Giám đốc PMU Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, tại hai dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết do Ban làm đại diện chủ đầu tư, Ban bố trí các nhân sự có kinh nghiệm túc trực tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh GPMB cho dự án. Dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, khối lượng GPMB đã đạt khoảng 60%, còn Phan Thiết - Dầu Giây đạt 65%. Kết quả giải ngân cho công tác GPMB cả hai dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cả sáu gói thầu của hai dự án đã phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật. Tại Nghệ An, cao tốc bắc - nam qua địa bàn gồm hai dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, tổng chiều dài gần 88 km, trong đó, 79,3 km đi qua đất nông nghiệp và 8,53 km đất thổ cư, cần tái định cư hơn 600 hộ dân, tổng kinh phí GPMB 2.762 tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm trở lại đây, nhiều huyện vào cuộc thiếu quyết tâm nên tiến độ GPMB dự án đang có dấu hiệu chững lại. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cam kết, lãnh đạo tỉnh sẽ yêu cầu các huyện xốc lại tinh thần, tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vì đây là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, phấn đấu chậm nhất cuối tháng 8 bàn giao mặt bằng để khởi công.

Theo thống kê mới nhất, dự án cao tốc bắc - nam hiện mới bàn giao mặt bằng 454 trên tổng số 654 km (đạt 69,5%), chủ yếu là đất nông nghiệp, lâm nghiệp; khối lượng hơn 30% còn lại chưa bàn giao được chủ yếu là đất ở của người dân và công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, cáp quang viễn thông, cấp thoát nước,... Hiện tại, riêng khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện cần di dời của 11 dự án khoảng 125 vị trí điện cao thế, 396 vị trí điện trung thế, 751 vị trí điện hạ thế. Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, việc đền bù GPMB phần còn lại này khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với diện tích đất nông nghiệp, khối lượng di dời các công trình lớn, nhưng việc lập phương án, di dời các công trình của các chủ sở hữu sử dụng công trình đang rất ì ạch. Tiến độ xây dựng khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân ở một số tỉnh như Nghệ An, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long còn chậm. Nếu không quyết liệt xử lý sẽ không kịp bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II theo cam kết của các địa phương với Chính phủ.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư tám dự án thành phần và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ PPP sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán). Tuy Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhưng nhiều chuyên gia khuyến nghị nên tiến hành đấu thầu rộng rãi, bởi các dự án đường cao tốc bắc - nam có rất nhiều gói thầu xây lắp, nên áp dụng đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, nhằm bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng công trình.

 

Thống kê truy cập