Triển khai Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai lập quy hoạch chi tiết tuyến chính. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh (Tờ trình số 1530/BGTVT – KHĐT ngày 21/3/2011), hiện nay đang được Văn phòng Chính phủ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh với các nội dung chủ yếu như sau:
1. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU:
- Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh (QHCT) phải phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải và các quy hoạch đã được phê duyệt cũng như phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có tuyến đường đi qua, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vận tải trước mắt cũng như lâu dài phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
- QHCT về cơ bản tuân thủ theo quy mô, hướng tuyến và các điểm khống chế trong quy hoạch tổng thể số 242/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2007. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và tương lai, cũng như phù hợp với dự báo nhu cầu vận tải, các quy hoạch, dự án đã, đang và sẽ triển khai, vì vậy cần thiết phải điều chỉnh hướng tuyến và quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật ở một số đoạn trong quy hoạch tổng thể cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Trên cơ sở hướng tuyến, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của các đoạn tuyến đã được đầu tư trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, hướng tuyến các đoạn đường cao tốc trong QHCT được xác định theo nguyên tắc: Những đoạn tuyến đã theo tiêu chuẩn đường cao tốc (nhưng trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 mới đầu tư theo quy mô 2 làn xe) thì cơ bản tiếp tục đầu tư theo quy mô quy hoạch, đối với các đoạn tuyến đi trùng với các quốc lộ hiện đang khai thác nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp thì cần xem xét lựa chọn hướng tuyến cao tốc cho phù hợp, đảm bảo tính kinh tế - xã hội.
- QHCT nhằm mục tiêu thực hiện giai đoạn 3 của quy hoạch tổng thể là: xây dựng hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vận tải trước mắt cũng như lâu dài. Điều chỉnh phân kỳ đầu tư phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của quốc gia cũng như phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn và các quy hoạch khác có liên quan.
2. NỘI DUNG QUY HOẠCH:
2.1. Phạm vi quy hoạch:
Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có tổng chiều dài 3.183 km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499 km, tuyến phía Tây dài khoảng 684 km).
2.2. Hướng tuyến:
Về hướng tuyến trong QHCT cơ bản thực hiện như hướng tuyến và các điểm khống chế đã được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ, ngành và địa phương cũng như các dự án đã, đang và sẽ triển khai, trong QHCT điều chỉnh lại hướng tuyến và điểm khống chế chủ yếu tại một số đoạn để đáp ứng được nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
- Điểm đầu: Tại Pác Bó– tỉnh Cao Bằng.
- Điểm cuối: Tại Đất Mũi – tỉnh Cà Mau.
- Các điểm khống chế chủ yếu:
+ Tuyến chính qua các điểm: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô), Ngã ba Bình Ca (Km124 + 700/QL2 - Tuyên Quang), ngã ba Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, cầu Ngọc Tháp (sông Hồng), Cổ Tiết, Ba Vì, Sơn Tây (qua làng văn hóa các dân tộc Việt Nam), Hoà Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, Xóm Kho, Ngọc Lặc, Lầm La, Tân Kỳ, Khe Cò, Can Lộc, phía Đông hồ Kẻ Gỗ, Bùng, Cam Lộ, cầu Tuần, Khe Tre, đèo Đê Bay, đèo Mũi Trâu, Túy Loan, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Kon Tum, PleiKu, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Đồng Xoài, Chơn Thành, Ngã ba Tân Vạn, Tân Thạnh, Mỹ An, thành phố Cao Lãnh, cầu Cao Lãnh (sông Tiền), cầu Vàm Cống (sông Hậu), Lộ Tẻ, Rạch Sỏi, Minh Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận, thành phố Cà Mau, Năm Căn, Đất Mũi.
+ Nhánh phía Tây qua các điểm: Khe Cò, Phố Châu, Tân Ấp, Khe Ve, đèo Đá Đẽo, Khe Gát (bao gồm cả đoạn Khe Gát – Bùng), Đèo U Bò, Tăng Ký, Cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đăk Rông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên, Thạnh Mỹ. Hiện nay nhánh phía Tây đã được xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch.
2.3. Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật:
a. Tiêu chuẩn kỹ thuật:
Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho QHCT đối với các đoạn thông thường không phải là đường cao tốc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế TCVN 4054 - 2005, đối với các đoạn là đường cao tốc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729 - 1997, đối với các đoạn đi trùng theo quy hoạch đô thị của địa phương áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị TCXDVN 104 - 2007.
b. Quy mô xây dựng:
Về quy mô xây dựng cơ bản thực hiện như quy mô xây dựng đã được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2007. Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như phù hợp với dự báo nhu cầu vận tải, các quy hoạch, dự án liên quan đã, đang và sẽ triển khai, trong QHCT có điều chỉnh quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật ở một số đoạn.
2.4. Phân kỳ đầu tư và dự kiến kinh phí thực hiện:
Về phân kỳ đầu tư cơ bản thực hiện theo 3 giai đoạn như đã được phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2007. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn vốn hạn chế và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời căn cứ vào các quy hoạch, dự án liên quan đã, đang và sẽ triển khai, cũng như căn cứ vào dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, việc phân kỳ đầu tư được điều chỉnh cụ thể như sau:
a) Giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007): Đã đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 02 làn xe bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) và đưa vào khai thác sử dụng toàn bộ từ năm 2008.
b) Giai đoạn 2 (từ năm 2007 - 2015): Đầu tư để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 02 làn xe, trong đó cơ bản hoàn thành vào năm 2015, một số đoạn tuyến cao tốc và cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020.
c) Giai đoạn 3:
Tập trung đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan, phân kỳ đầu tư giai đoạn 3 như sau:
- Từ năm 2012 - 2020:
Đầu tư thực hiện khoảng 314 km theo quy mô cao tốc, với kinh phí khoảng 47.489 tỷ đồng (chưa kể dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông đoạn từ Mỹ An đến Rạch Sỏi dài khoảng 133 km bao gồm cả cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống, đầu tư giai đoạn 1, kinh phí đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng đã có dự án riêng và đã thu xếp được nguồn vốn), cụ thể như sau:
+ Đoạn cao tốc Cam Lộ - Túy Loan dài 182 km (theo quy mô đường cao tốc 04 làn xe), kinh phí đầu tư khoảng 31.274 tỷ đồng. Đoạn này đã lập dự án đầu tư và được chia thành 2 dự án thành phần: Cam Lộ – La Sơn dài 103 km và đoạn La Sơn – Tuý Loan dài 79 km, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn trái phiếu Chính phủ) kết hợp các hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng – khai thác - chuyển giao).
+ Đoạn cao tốc từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đến Chợ Bến (Hoà Bình) dài 130 km, quy mô 04 - 06 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 16.215 tỷ đồng nhằm sớm hình thành tuyến vành đai V của Thủ đô Hà Nội kết nối với các tỉnh xung quanh.
+ Dự án Kết nối với hệ thống giao thông trung tâm đồng bằng sông Mê Kông đoạn từ Mỹ An đến Rạch Sỏi dài 133 km bao gồm cả cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống (đã có dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ADB, vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc và một số nguồn vốn khác), kinh phí đầu tư của hai dự án này giai đoạn 1 khoảng 23.000 tỷ đồng không tính vào khái toán tổng mức đầu tư của QHCT.
- Sau năm 2020:
Từng bước xây dựng các đoạn tuyến cao tốc còn lại và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt. Việc phân kỳ đầu tư của giai đoạn này căn cứ vào khả năng bố trí nguồn vốn, lưu lượng xe và hiệu quả dự án, đồng thời tùy theo nhu cầu thực tế về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của từng khu vực để lựa chọn sắp xếp thứ tự ưu tiên có kế hoạch thực hiện các đoạn tuyến một cách hợp lý. Dự kiến kinh phí đầu tư thực hiện sau năm 2020 khoảng 225.678 tỷ đồng. Cụ thể như sau:
+ Đoạn Ngã ba Bình Ca (km124 +700/QL2 - Tuyên Quang) đến Đoan Hùng (Phú Thọ) dài khoảng 15 km, quy mô cấp II, 04 làn xe.
+ Đoạn từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Bùng (Quảng Bình) dài khoảng 165 km đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 04 làn xe.
+ Đoạn từ Bùng (Quảng Bình) đến Cam Lộ (Quảng Trị) dài khoảng 117 km, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 04 làn xe.
+ Đoạn qua Tây Nguyên (Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước), từ Ngọc Hồi đến Chơn Thành, tổng chiều dài khoảng 494 km, có quy mô đường cao tốc từ 4- 6 làn xe.
+ Đoạn Chơn Thành - Đức Hoà - Mỹ An dài khoảng 158 km, hoàn thiện theo quy hoạch có quy mô cao tốc 04 làn xe.
+ Đoạn Chơn Thành - Ngã ba Tân Vạn dài khoảng 63 km, với quy mô cao tốc 06 làn xe.
+ Đoạn từ Chợ Bến (Hoà Bình) đến Khe Cò (Hà Tĩnh), dài khoảng 322 km có quy mô cao tốc 04 - 06 làn xe.
+ Xây dựng hoàn chỉnh các đoạn còn lại theo quy mô QHCT đã được phê duyệt, dài khoảng 553 km (không kể các đoạn: Chợ Mới - Ngã ba Bình Ca, dài 80 km; Tuý Loan - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi, dài 220 km đã được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch).
Trong quá trình thực hiện, căn cứ về dự báo nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế xã hội sẽ xác định cụ thể tiến độ thực hiện cho phù hợp.
2.5. Nhu cầu vốn và nguồn vốn thực hiện:
Tổng mức đầu tư ước tính cho giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007) và giai đoạn 2 (từ năm 2007 - 2015) với quy mô mặt cắt ngang 2 làn xe đã được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 là 41.020 tỷ đồng (thời giá năm 2005);
Tổng mức đầu tư xây đường Hồ Chí Minh cho giai đoạn 3 được xác định trong QHCT theo thời giá năm 2010 là 273.167 tỷ đồng (hai trăm bảy ba nghìn một trăm sáu bảy tỷ đồng), không kể 23.000 tỷ đồng là TMĐT của 133 km đường Hồ Chí Minh đi trùng với các dự án khác (đã được bố trí nguồn vốn) và đang được triển khai. Tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh cho QHCT dự kiến được huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước (trái phiếu Chính phủ, vốn ODA) và từ các nguồn vốn hợp pháp khác.