Thủ tướng trả lời chất vấn về Dự án đường Hồ Chí Minh

29/12/2015

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về dự án đường Hồ Chí Minh.

 
ảnh minh họa
 
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Việc giảm hơn 14 ngàn tỷ đồng, khoảng 23% trong dự án đường Hồ Chí Minh đã là một bước đột phá về tiết kiệm trong xây dựng cơ bản. Xin cho biết giải pháp nào để có sự đột phá như trên? Theo tôi được biết, ngoài các yếu tố giá thực tế và tính toán trong đấu thầu thì đơn giá, định mức, suất đầu tư cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế kỹ thuật là cơ sở để lập dự toán và lập dự án do các bộ, ngành ban hành là khó thay đổi và khó điều chỉnh. Xin cho biết tính pháp lý của việc giảm tiết kiệm 5% trong dự án nêu trên, đồng thời kiến nghị Chính phủ nếu đột phá của ngành giao thông qua dự án nêu trên có đầy đủ cơ sở và tính pháp lý của nó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, rà soát lại hệ thống đơn giá, định mức suất đầu tư cũng như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành vừa qua, để làm sao đưa các công trình xây dựng cơ bản về đúng giá trị thực của nó, nếu không ta đang có sự lãng phí rất lớn đối với công tác này”.

 

Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 31/2012/QH13 ngày 8/11/2012 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Chính phủ đã có Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 7/12/2012 giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

Đến nay, các dự án đều được kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng trong đó dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ cơ bản hoàn thành toàn bộ trong năm 2015; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên đã hoàn thành toàn bộ trong tháng 7/2015, rút ngắn thời gian thi công 1,5 năm so với kế hoạch.

Hiện nay, các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn vốn dư trái phiếu Chính phủ là 14.259 tỷ đồng.

Nguyên nhân dư vốn do: chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 và tổng mức đầu tư được duyệt; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công nên tiết kiệm chi phí dự phòng trượt giá, tiết kiệm chi phí lãi vay đối với các dự án BOT; rà soát, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán do thực hiện chỉ định thầu (về nội dung này Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 14383/BGTVT-KHĐT ngày 28/10/2015 giải trình cụ thể khi Quốc hội thảo luận tại Tổ về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên).

Về việc áp dụng tỷ lệ tiết kiệm 5% dự toán do thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Chủ đầu tư thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán đảm bảo chặt chẽ và tuân thủ theo đúng các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, công tác thẩm tra dự toán đã được giao cho Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng thực hiện.

Theo các quy định về quản lý chi phí hiện hành, khi lập dự toán được dự trù một khoản lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng (thu nhập chịu thuế tính trước), khi tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp căn cứ năng lực kinh nghiệm của mình có quyền xây dựng biện pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo số liệu tổng kết công tác đấu thầu đối với các dự án xây dựng công trình giao thông trong thời gian vừa qua thì tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu từ 3÷5%.

Trong thời gian qua, khi triển khai các công trình có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Chính phủ đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, như: các dự án điện đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm là 5% theo cơ chế 797-400 (Văn bản số 797/CP-CN ngày 17/6/2003 của Chính phủ); các dự án thủy điện cũng áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm là 5% theo cơ chế 797-400 (Văn bản số 400/CP-CN ngày 26/3/2004 của Chính phủ); Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm là 5% (Thông báo số 170/TB-VPCP ngày 12/9/2005 của Văn phòng Chính phủ). Các dự án này khi sử dụng cơ chế nêu trên đã rút ngắn được thời gian thực hiện và sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.

Chính vì vậy, để sớm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ đã tiếp tục cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm 5% so với dự toán được duyệt tại Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 21/2/2012.

Đến nay, các Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, đạt được hiệu quả to lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Như vậy, có thể khẳng định chỉ đạo của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm 5% dự toán là phù hợp thực tiễn, góp phần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, đồng thời đảm bảo sự phát triển hài hòa của doanh nghiệp./.

 

Chinhphu.vn

Thống kê truy cập