Đường Trường Sơn: Kỳ tích của thế kỷ XX

23/12/2015

Nhắc tới đường Trường Sơn là gợi nhớ đến sự ác liệt của một tuyến đường được ví như “huyết mạch” chi viện cho chiến trường miền Nam, là cái “gai” không bao giờ có thể nhổ được của đế quốc Mỹ, là bản anh hùng ca bất khuất của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi bất tử cùng non sông. Đường Trường Sơn ngày hôm nay đang tiếp tục viết nên những bản hùng ca mới, tạo thế và lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, phồn thịnh

 

Biểu tượng của lòng quả cảm

Thời gian có thể xóa mờ dấu chân người lính trên các nẻo đường Trường Sơn thuở ấy, nhưng sẽ mãi đi vào lịch sử như một “con đường huyền thoại”, một trong những đỉnh cao của trí tuệ nhân dân Việt Nam, của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559) làm nhiệm vụ mở đường giao thông quân sự vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự, đưa đón cán bộ, bộ đội vào chiến trường. Kể từ đó, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được hình thành và không ngừng phát triển.

Nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định là mở con đường mới xuyên từ Đông sang Tây Trường Sơn với tên chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi” - một sự kiện chưa từng có với nhiệm vụ vừa thiết kế, vừa thi công, kết hợp thủ công với cơ giới.

Trong thời gian 4 tháng, Bộ GTVT đã điều lực lượng cơ giới mạnh nhất do các đồng chí Nguyễn Trí Tuệ và Nguyễn Lang phụ trách. Bộ còn huy động thêm cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân bậc cao vào phục vụ chiến trường do đồng chí Phan Trầm phụ trách. Toàn bộ cán bộ, công nhân, TNXP ngành GTVT đều được quân sự hóa trong đội hình của Đoàn 559. Tuyến đường 20 đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1966.

Đây là công trình làm đường lớn nhất, tạo ra hiệu suất cao nhất của tuyến vận tải Trường Sơn, thể hiện sự quyết đoán, thông minh, táo bạo với ý chí quyết chiến quyết thắng của hàng vạn cán bộ, công nhân nam nữ TNXP ngành GTVT và cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đường 20 Quyết thắng cũng là con đường được hoàn thành nhanh nhất, có ý nghĩa chiến lược quan trọng của hệ thống đường mang tên Bác.

Cho đến ngày Việt Nam thống nhất, Đoàn 559 đã tạo nên mạng lưới đường liên hoàn, vững chắc với 16.700km đường dã chiến các loại, trên 1.500km đường ống dẫn xăng dầu. Hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam chiến đấu và đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc. Ngoài ra, tuyến đường còn chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia 15.136 tấn vũ khí.

Đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn không chỉ biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung của nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và bạn bè quốc tế.


Đường Trường Sơn thời kỳ kháng chiến. Ảnh tư liệu

Viết tiếp trang sử mới

Trong chiến tranh hay trong thời bình, GTVT đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu như trong chiến tranh, GTVT góp phần giải phóng dân tộc thì trong công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước, GTVT là “mạch máu” phát triển.Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 3.183km (trong đó tuyến chính dài 2.499km, tuyến nhánh phía Tây dài 684km). Điểm đầu tuyến tại Pác Bó (Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau).

Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng. Giai đoạn 1 đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn 2 nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu tại Pác Bó đến điểm cuối tại Đất Mũi. Giai đoạn 3 sẽ hoàn chỉnh toàn tuyến đường và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn.

Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên & tỉnh Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14, có chiều dài 663km từ Đắk Zôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Tuyến đường này đã được đầu tư 110km từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007), còn lại 553km đoạn từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2 (từ năm 2008). Trong đó, khoảng 134km qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với Pleiku được triển khai từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 và 419km chia làm 11 dự án thành phần (6 dự án vốn TPCP và 5 dự án BOT) được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015. Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (Bnền = 12m, Bmặt = 11m) cho 02 làn xe cơ giới, 02 làn thô sơ; một số đoạn qua đô thị được mở rộng lên 4 làn xe cơ giới và 02 làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (QL14), mở rộng hai bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn.

Đến nay, khi tuyến đường hoàn thành, giao thông trên tuyến thuận lợi hơn rất nhiều. Thời gian đi lại giữa các tỉnh được rút ngắn, tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh khu vực Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh - quốc phòng.


Tạp chí GTVT
Thống kê truy cập