Các chuyên gia từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM, được Bộ Y tế điều động đến Đà Nẵng. Các chuyên gia này sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị, đã đến Đà Nẵng từ ngày 25/7.
Toàn bộ lực lượng chi viện này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo chung của phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Bên cạnh đó, Bộ Y tế huy động thêm hàng trăm sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế, tham gia các hoạt động phòng chống dịch tại Đà Nẵng.
10 máy thở và khẩu trang N95 cũng được điều động đến các bệnh viện tại Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trưa nay cho hay toàn ngành y tế đang tập trung cả về nhân lực và trang thiết bị để hỗ trợ Đà Nẵng cũng như các địa phương có dịch, từ kiểm soát dịch bệnh cho đến điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện cũng được yêu cầu có kế hoạch tiếp nhận, "chia lửa" với Bệnh viện Đà Nẵng khi số lượng bệnh nhân nhiều hơn.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện các bệnh viện cả nước có khoảng 7.000 máy thở. Các máy ECMO vẫn đủ để điều trị trong giai đoạn hiện tại. Ngành y tế đã có kế hoạch mua thêm máy ECMO, đặt ở các bệnh viện lớn để điều trị bệnh nhân nặng. Số lượng giường bệnh đảm bảo cho việc cách ly và điều trị bệnh nhân. Giai đoạn trước, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản tiếp nhận và điều trị hơn 3.000 bệnh nhân Covid-19.
Việt Nam có 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng. Hầu hết bác sĩ được đào tạo đa khoa, có thể huy động cho phòng dịch khi cần.
Hiện số lượng máy thở, ECMO, lực lượng nhân viên y tế tại chỗ, số giường bệnh và năng lực đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19 của Đà Nẵng, không được công bố.
Sáu ngày qua, 43 ca nhiễm cộng đồng được ghi nhận, trong đó Đà Nẵng 34 ca và hầu hết liên quan đến ba bệnh viện. Đợt tái bùng phát dịch lần này, nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, do chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Nhiều bệnh nhân nhanh chóng gặp biến chứng về hô hấp, tim mạch, nhiễm trùng.
Hiện hai bệnh nhân 416 và 437 đã phải can thiệp ECMO - hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể. Một số bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, giảm bớt gánh nặng cho Đà Nẵng.