Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Sau khi nghe báo cáo về các nội dung liên quan của lãnh đạo các đơn vị và các đồng chí Thứ trưởng phụ trách, đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã khẳng định, Dự án này gồm 11 dự án thành phần, là Dự án đặc biệt quan trọng của Ngành và đất nước. Bộ trưởng khẳng định Lãnh đạo Bộ đã chọn mặt gửi vàng, có tiêu chí, căn cứ để chọn các Ban Quản lý dự án quản lý các dự án thành phần này. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, tiêu chí để giao việc, đó là các Ban QLDA đã tham gia nghiên cứu Dự án này từ những năm trước sẽ được ưu tiên. Tiếp đó là các Ban QLDA đã có uy tín, điều hành tốt qua kiểm nghiệm thực tế tại các đại dự án như Quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên…
“Đây là một dự án trọng điểm không chỉ của Ngành GTVT mà còn là của quốc gia, không thể giao cho những đơn vị chưa từng có khái niệm về Dự án này hoặc không có kinh nghiệm, năng lực thực hiện các dự án lớn cần trình độ quản lý, điều hành cũng như không đáp ứng được yêu cầu cao để đảm nhiệm. Thậm chí, kể cả đối với các Ban có hồ sơ năng lực tốt, đã được giao nhiệm vụ mà không đảm trách được nhiệm vụ, chậm tiến độ, sai sót trong quản lý sẽ bị thu hồi và kỷ luật người đứng đầu. Tất cả được đo bằng thước đo năng lực, không có cơ chế xin cho ở đây”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cương quyết.
Đồng tình với ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng và Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Duy Lâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA xây dựng, báo cáo cụ thể giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án, đáp ứng yêu cầu của Bộ. Song song với đó là đẩy nhanh công tác thoả thuận, thống nhất với các địa phương, các Bộ, Ngành và quân khu…sau đó tổng hợp, có văn bản thống nhất với cấp tỉnh để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, hạn chế việc tỉnh đề xuất điều chỉnh bổ sung sau này.
Bộ trưởng cũng yêu cầu TEDI khẩn trương tiếp thu, cập nhật và hoàn chỉnh hồ sơ hướng dẫn chung trong thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ trước 25/3; các Ban QLDA phải khẩn trương, chủ động lựa chọn hoặc báo cáo Bộ xem xét lựa chọn đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án chưa đảm bảo nội dung này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu khẩn trương hồ sơ GPMB, làm việc cụ thể với các địa phương, nghiên cứu sớm trình HĐND các tỉnh về sử dụng quy hoạch đất, đáp ứng yêu cầu cắm mốc GPMB…
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ trưởng uỷ quyền cho Thứ trưởng Lê Đình Thọ để rà soát, ký quyết định, công bố lựa chọn để đàm phán khẩn trương giữa địa phương và các bộ, ngành để kịp tiến độ đã được phê duyệt.
“Các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là Tổng Công ty Cảng HKVN – ACV phải có trách nhiệm phối hợp với Đồng Nai đôn đốc nhanh GPMB khu vực dự án; phối hợp Vụ KHĐT rà soát thủ tục liên quan giữa Bộ GTVT, địa phương và các bộ, ngành, có tiến độ từng việc cụ thể, đẩy nhanh mọi khâu thì mới hy vọng bám sát tiến độ đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Chỉ đạo về thực hiện Dự án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay nhằm kiểm soát tốt, minh bạch tài chính đồng thời đảm bảo TTATGT, tạo điều kiện lưu thông nhanh cũng như đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ mới.
“Yêu cầu các đơn vị thực hiện mà đầu mối là Tổng cục Đường bộ VN phải đẩy nhanh tiến độ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; tuyên truyền mạnh cho các tổ chức và người dân hiểu và đồng thuận dán thẻ và có kế hoạch chi tiết về việc gắn thẻ đầu cuối trong năm 2018 cũng như khi hoàn thành. Vận hành làm sao để mang lại hiệu quả cao cho người dân; làm sao thẻ tín dụng phải kết nối với thẻ thu phí này. Đáp ứng tiến độ nhưng quyền lợi của người dân phải được đảm bảo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Trước đó, báo cáo tình hình triển khai hệ thống ETC, Tổng cục trưởng TCĐB VN Nguyễn Văn Huyện cho biết hiện có 32 trạm đang tổ chức thu trên tuyến trên QL1; 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
“Trong đó có 35 trạm do Bộ GTVT quản lý và 4 trạm do địa phương quản lý), trong đó có 2 trạm dự kiến không triển khai hệ thống ETC là Tào Xuyên và cầu Rác do thời gian còn lại ngắn”, ông Huyện cho biết.
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết trên các tuyến quốc lộ còn lại có 33 trạm thu giá đang hoạt động/16 tuyến quốc lộ (có 7 trạm do địa phương quản lý), trong đó có 3 trạm (2 trạm trên QL2 và 1 trạm trên QL20) dự kiến không triển khai hệ thống do thời hạn thu còn ngắn.
Trên các tuyến cao tốc cũng có 7 hệ thống thu phí kín đang hoạt động, dự kiến triển khai hệ thống ETC trong năm 2018-2019.
Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN khẳng định Tổng cục đã làm việc với các địa phương, các nhà đầu tư BOT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế triển khai hệ thống ETC trên đường cao tốc cũng như các tuyến quốc lộ.
Cũng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng đã báo cáo cụ thể tiến độ triển khai, công tác lập khung chính sách về GPMB; công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như các khó khăn vướng mắc của 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cũng có báo cáo chí tiết về tình hình triển khai các dự án thành phần theo hình thức đầu tư công thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.