Thúc giải ngân vốn giao thông từ đầu năm

12/3/2018

Ngành GTVT đặt mục tiêu giải ngân quyết liệt từ đầu năm 2018 để đạt hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh vốn đầu tư từ ngân sách trong kế hoạch trung hạn chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu.

1

Bộ GTVT đề nghị bổ sung vốn khoảng 10.677 tỷ đồng để trả nợ trong giai đoạn 2017 - 2020 cho 4 dự án BT đã thực hiện (Trong ảnh: Nút giao ngã ba Huế, TP Đà Nẵng) - Ảnh: Lê Hiếu, Mạnh Thắng

Khắc phục tình trạng giao vốn muộn, giải ngân chậm

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho biết, kết quả giải ngân vốn TPCP năm 2017 chưa đạt yêu cầu do kế hoạch giao vốn chậm. Năm 2017, các dự án của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được giao 1.600 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017 và 1.500 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2017, Ban QLDA mới được giao vốn. “Đến khi vốn được giao lại bắt đầu vào mùa mưa, diễn biến thời tiết bất thường, liên tục có bão lũ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các công trình, dẫn tới tiến độ giải ngân của các dự án gặp khó khăn”, ông Tuấn nói và cho biết, qua rà soát, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT xin kéo dài giải ngân năm 2017 khoảng 500 tỷ đồng sang năm 2018 để tiếp tục thực hiện.

Theo kế hoạch, năm 2018, Bộ GTVT đặt chỉ tiêu hoàn thành giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến khoảng 31.229,53 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 21.229,5 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng. Riêng tháng 1 và 2/2018, các dự án sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, Ban QLDA đã giải ngân được khoảng 4.004 tỷ đồng (đạt 18,9% kế hoạch), đồng thời rà soát làm thủ tục kéo dài kế hoạch năm 2017 sang năm 2018 đối với nguồn vốn TPCP chưa chi hết khoảng 1.576 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Tuấn, năm 2018, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã được giao kế hoạch vốn 740 tỷ đồng cho các dự án Chợ Mới - Chợ Chu thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn (tỉnh Tuyên Quang), dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh trung tâm huyện Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc (tỉnh Bắc Kạn), dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (tỉnh Cà Mau)…

“Năm nay, tình trạng giao vốn muộn đã được khắc phục so với năm 2017, khi cuối tháng 12/2017, Bộ KH&ĐT đã có quyết định giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2018. Đồng thời, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có văn bản đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán kịp thời. Nếu nguồn vốn kế hoạch kéo dài năm 2017 sang năm 2018 được giao sớm trong tháng 3 chắc chắn công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách năm 2018 sẽ đạt nhiều kết quả khả quan”, ông Tuấn nói.

Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban QLDA 6) cho biết, năm 2018 đơn vị được giao vốn sớm với 160 tỷ đồng vốn cho các dự án ODA và 180 tỷ đồng cho các dự án vốn TPCP.

“Đến nay, công tác giải ngân cho các dự án của chúng tôi chưa có gì vướng mắc, mọi việc đều thông suốt. Ban QLDA6 phấn đấu sẽ giải ngân toàn bộ số vốn năm 2018 đã được giao”, ông Thịnh nói.

Đại diện Vụ KH-ĐT cho biết, nguyên nhân nguồn vốn TPCP năm 2017 chưa giải ngân hết, phải kéo dài sang năm 2018 khoảng 1.576 tỷ đồng chủ yếu xuất phát từ việc kế hoạch giao vốn chậm. Cụ thể, những dự án được giao vốn kế hoạch năm 2017 đều là các dự án sử dụng vốn dư lần 1 của dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được Bộ KH&ĐT giao vốn ngày 5/5/2017 và vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài giao ngày 26/5/2017.

2
Vốn kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 mới chỉ đáp ứng khoảng 52,7% nhu cầu vốn đối ứng của các dự án ODA đã ký kết hiệp định (Trong ảnh: Dự án đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long) - Ảnh: Tạ Tôn

Không bổ sung vốn, 27 dự án sẽ phải dừng, giãn tiến độ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước cho ngành GTVT vẫn đang rất thiếu. Cụ thể, ngành GTVT cần khoảng 610.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách để thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn trung hạn 2016 - 2020, nhưng nguồn vốn ngân sách theo thông báo dự kiến chỉ được cân đối khoảng 209.111 tỷ đồng (khoảng 32% so với nhu cầu) gồm: Vốn ODA 97.221 tỷ đồng, vốn trong nước 36.890 tỷ đồng, vốn TPCP 75.000 tỷ đồng.

Theo ông Lâm, số vốn được giao mới cân đối được các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản (100%), thu hồi vốn ứng trước kế hoạch (50%), vốn nước ngoài (khoảng 67%) và vốn đối ứng (khoảng 52,7%) của các dự án ODA đã ký kết hiệp định.

“Số vốn được giao không bố trí đủ để triển khai đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý đối với 27 dự án theo đề xuất của Bộ GTVT, nếu không được bổ sung vốn sẽ phải dừng giãn các dự án này. Đồng thời, không có vốn để trả các khoản nợ tới hạn của các dự án BT giao thông, vốn đã ứng trước của các địa phương, doanh nghiệp theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, vốn để khởi công mới các dự án giao thông quan trọng, cấp bách cần triển khai trong giai đoạn 2016-2020”, ông Lâm nói.

Cũng thông tin từ Vụ KH-ĐT, để đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có được khai thác bình thường, thông suốt, Bộ GTVT kiến nghị được bổ sung nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 khoảng 79.308 tỷ đồng.

Cụ thể, bổ sung vốn khoảng 10.677 tỷ đồng để trả nợ trong giai đoạn 2017 - 2020 cho 4 dự án BT đã thực hiện: La Sơn - Túy Loan, QL20 thành phần 1, QL20 thành phần 2 và nút giao ngã ba Huế; bổ sung khoảng 9.654 tỷ đồng để hoàn trả cho 7 dự án đã được các địa phương và doanh nghiệp ứng vốn thực hiện trước đây hoặc chuyển nguồn ghi vốn qua Bộ GTVT; bố trí đủ vốn cho các dự án ODA đã ký kết hiệp định, đang được triển khai dở dang gồm: Vốn nước ngoài đề nghị phân bổ bổ sung 1.932 tỷ đồng và vốn đối ứng đề nghị bổ sung 3.893 tỷ đồng; bố trí đủ vốn để hoàn thành tới điểm dừng kỹ thuật hợp lý cho 27 dự án đang triển khai dở dang, tránh lãng phí phần vốn đầu tư khoảng 6.434 tỷ đồng…

Báo Giao Thông
Thống kê truy cập