Dự án BOT hạn chế rủi ro vượt tổng mức đầu tư
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đối với các dự án BOT trên QL1 và QL14,qua công tác thẩm tra thấy rằng, thời gian phê duyệt dự án được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định. Đặc biệt, không có dự án nào phải kéo dài thời gian thi công so với dự kiến nên hạn chế tối đa rủi ro vượt tổng mức đầu tư.
Giá trị dự toán không phù hợp sẽ được điều chỉnh
Hiện nay, công tác thẩm tra dự toán các dự án BOT thuộc công trình nâng cấp, mở rộng QL1 và QL14 được giao cho cơ quan độc lập là Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây Dựng). Vậy quy trình thực hiện công tác này được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Quy trình thẩm tra dự toán của các dự án BOT giao thông hiện nay được triển khai theo đúng các quy định hiện hành, tương tự các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, dự toán do đơn vị tư vấn thiết kế lập, cùng các quy định về chế độ chính sách… chúng tôi tiến hành rà soát, đánh giá kết quả dự toán để ra báo cáo kết quả thẩm tra.
Trong giai đoạn thiết kế cơ sở, căn cứ vào số liệu khảo sát, đo đạc hiện trạng hướng tuyến, các thông số địa chất… đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án tiến hành xây dựng tổng mức đầu tư của công trình. Theo nguyên tắc chung, quá trình triển khai thi công tại hiện trường phải bám sát với thiết kế cơ sở, tuy nhiên, cũng có một số vấn đề trong thiết kế cơ sở chưa phù hợp với thực tế và cần phải điều chỉnh cho hợp lý. Do đó, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ mang tính chất dự trù kinh phí làm cơ sở cho chủ đầu tư quản lý chi phí trong quá trình thực hiện dự án.
Giá trị dự toán công trình chỉ được đơn vị tư vấn xác định ở giai đoạn thiết kế bản vẽ kỹ thuật và bản vẽ thi công. Lúc này, giá trị dự toán có vai trò phản ánh sát hơn chi phí của công trình chứ không phải là giá trị biểu thị chi phí thực tế của dự án. Trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của từng gói thầu và dự toán do tư vấn lập, đồng thời căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Viện Kinh tế Xây dựng tiến hành đánh giá, rà soát và thẩm tra giá trị dự toán, nếu giá trị dự toán chưa phù hợp sẽ phải điều chỉnh, làm cơ sở cho chủ đầu tư phê duyệt dự toán, chuẩn bị cho công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Thông qua quá trình thẩm tra dự toán thực tế của các dự án BOT QL1 và QL14 cho thấy, công tác lập dự toán ban đầu của các đơn vị tư vấn rất chặt chẽ và tuân thủ các quy định pháp luật.
ông Nguyễn Phạm Quang Tú
Qua công tác rà soát, kiểm tra dự toán của 6 dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL1 và bốn dự án thuộc QL14, Bộ GTVT cho biết, qua công tác rà soát, ước tính số vốn dư của 10 dự án BOT trên QL1 và QL14 khoảng 2.151 tỷ đồng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trong cơ cấu dự toán của các công trình xây dựng bao giờ cũng có phần chi phí dự phòng, bao gồm: Dự phòng về khối lượng và dự phòng về trượt giá. Ở giai đoạn thiết kế cơ sở, đơn vị tư vấn sẽ không thể lường trước được phần khối lượng thực tế phát sinh trong quá trình thi công trên hiện trường như thế nào. Trong khi đó, chỉ số trượt giá trong thời gian xây dựng được tính toán dựa trên các thông số vào thời điểm dự án được phê duyệt, còn con số chính xác chỉ xác định được khi công trình đã hoàn thành. Nếu thời gian xây dựng càng lâu, chi phí trượt giá càng lớn do giá nguyên vật liệu biến động.
Đối với các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14), trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, có những dự án vượt tiến độ dự kiến từ 1 - 1,5 năm, từ đó tiết kiệm được rất nhiều phần chi phí trượt giá cho công trình. Đồng thời, trong giai đoạn đầu, các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án khá sát nên khối lượng phát sinh trong quá trình thi công thực tế giảm đáng kể, từ đó kéo theo phần chi phí dự phòng giảm xuống, thậm chí có những dự án không dùng đến phần chi phí dự phòng. Đây thực chất là số tiền dự án không dùng đến chứ không phải thất thoát, lãng phí trong công tác lập dự án như một số ý kiến thời gian qua.
Dự án BOT mở rộng QL1 rút ngắn thời gian phê duyệt dự án nhưng vẫn thực hiện đúng theo quy định pháp luật (Trong ảnh: Đoạn mở rộng QL1 qua Thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) - Ảnh: Nguyễn Hoàng
Chính xác hóa chi phí qua từng công đoạn
Theo lý giải của ông, chi phí của các dự án BOT sau khi tiến hành quyết toán thực tế sẽ còn thấp hơn so với giá trị dự toán được thẩm tra, phê duyệt?
Đây là điều hiển nhiên, bởi sản phẩm của các công trình xây dựng mang tính chất đơn chiếc và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố giả định ban đầu chứ nó không giống như các sản phẩm của các ngành công nghiệp khác. Chi phí của các công trình xây dựng sẽ được chính xác hóa dần theo từng công đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn đầu tiên, chi phí dự án được biểu thị bằng tổng mức đầu tư, đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, chi phí dự án được biểu thị bằng giá trị dự toán, còn chi phí cuối cùng của công trình thể hiện bằng giá trị quyết toán thực tế công trình.
Theo nguyên tắc trong quản lý đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư là trần chi phí và nó giống như một đường bao lớn nhất của dự án, sau đó đến dự toán là đường bao hẹp hơn làm cơ sở để chủ đầu tư đấu thầu trên cơ sở đảm bảo giá đấu thầu phải nhỏ hơn giá trị dự toán được duyệt. Cuối cùng, giá trị quyết toán công trình sẽ phải nằm trong giá trị dự toán được duyệt.
Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có những trường hợp giá trị quyết toán công trình lớn hơn giá trị dự toán phê duyệt do quá trình triển khai thi công phải điều chỉnh lại so với thiết kế, hoặc thời gian thi công kéo dài dẫn tới tăng chi phí do trượt giá. Đơn cử như trước đây, nhiều công trình giao thông do thiếu vốn, thời gian phê duyệt dự án cách rất xa so với thời điểm triển khai, quá trình thi công lại kéo dài… khiến chi phí trượt giá lên cao dẫn tới tình trạng chi phí của dự án bị đội lên so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.
Đối với các dự án BOT QL1 và QL14, qua công tác thẩm tra, chúng tôi nhận thấy, thời gian phê duyệt dự án được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là không có dự án nào phải kéo dài thời gian thi công so với dự kiến nên gần như không phát sinh chi phí thực tế, không có công trình vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
“Đi trên đường mới phải trả phí vẫn hiệu quả hơn”
Thời gian qua, hàng loạt công trình trọng điểm như dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và QL14 đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp vận tải trong việc rút ngắn thời gian đi lại, nâng cao năng suất vận tải, tiết giảm chi phí bảo dưỡng hao mòn máy móc, giảm TNGT… Thậm chí, có những tuyến đường rút ngắn được một nửa thời gian lưu thông so với trước đây.
Đây là thành công rất lớn trong công tác đầu tư xây dựng của ngành GTVT, nhất là việc đầu tư các dự án bằng hình thức huy động nguồn vốn xã hội hóa. Các công trình khi hoàn thành và đưa vào khai thác đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH đất nước, nâng cao năng suất vận tải, đảm bảo an toàn, giảm tiêu hao nhiên liệu… đặc biệt là kéo giảm giá thành vận tải. Nếu tính toán cân đối, việc chủ phương tiện phải trả phí để đi trên đường mới thì hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn so với việc di chuyển theo đường cũ chất lượng thấp nhưng không mất phí.
Đình Quang (Ghi)
|
Nguồn Báo Giao thông