Quản chặt dự án BOT như vốn ngân sách (Kỳ 3)

2/10/2015

Mục tiêu của Bộ GTVT đưa được những công trình hạ tầng giao thông tốt nhất vào sử dụng góp phần phát triển KT-XH.

 
Các dự án BOT có quy trình đầu tư chặt chẽ, các nhà đầu tư được lựa chọn công khai, minh bạch

Mục tiêu của Bộ GTVT là đưa được những công trình hạ tầng giao thông tốt nhất vào sử dụng góp phần phát triển KT-XH, nhưng các công trình phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là các dự án BOT.

Quy trình đầu tư chặt chẽ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng Ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, để đầu tư dự án BOT, vấn đề đầu tiên trong quy trình là việc lập danh mục các dự án chuẩn bị triển khai phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương và đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch, thúc đẩy phát triển KT-XH đối với địa phương, khu vực dự án đi qua.

Sau khi công đoạn đầu tiên được thông qua, Bộ GTVT tiến hành công bố công khai danh mục các dự án trên phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư quan tâm tham gia tìm hiểu về từng dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án BOT được Bộ GTVT triển khai một cách công khai, minh bạch trên cơ sở nhà đầu tư được chọn phải đáp ứng yêu cầu về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Giá trị quyết toán thực tế công trình sẽ còn thấp hơn giá trị dự toán

Mới đây, qua kết quả rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư xây dựng 6 dự án BOT thuộc công trình nâng cấp, mở rộng QL1 và bốn dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT cho biết, số vốn chưa sử dụng đến của 10 dự án này ước tính khoảng 2.151 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt. Đặc biệt, giá trị quyết toán để tính toán lại thời gian thu phí chính thức của các dự án dự kiến sẽ còn thấp hơn với giá trị dự toán phê duyệt. Hiện nay, Ban PPP đã cập nhật phương án tài chính theo giá trị dự toán và mức thu phí theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, thời gian hoàn vốn của các dự án dự kiến sẽ giảm từ 4 - 56 tháng.

“Đối với những dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia, Bộ GTVT sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo đúng quy định, còn dự án nào có từ hai nhà đầu tư trở lên đều được tiến hành đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án”, ông Huy nói.

Đặc biệt, công tác quản lý tiến độ, chất lượng công trình được Bộ GTVT kiểm tra, rà soát chặt chẽ và nghiêm ngặt ở tất cả các khâu từ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đến bản vẽ thi công. Cụ thể, ngày 4/10/2013, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3085 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

“Văn bản này được ví như cây “gậy” để đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Bộ GTVT tại các dự án BOT tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của nhà đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó tổng giám đốc Ban QLDA1 chia sẻ.

Đánh giá về quy trình kiểm soát các dự án BOT, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4) cho biết: “Trước đây, nhà đầu tư được quyền lập, phê duyệt dự án và duyệt bản vẽ thi công, còn cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ thông qua ý kiến về thiết kế cơ sở. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 108 năm 2009 về BOT, BTO, BT và Quyết định 71 năm 2010 của Chính phủ về thí điểm dự án PPP được ban hành, Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập, phê duyệt dự án, tư vấn thẩm tra cả bản vẽ thiết kế và dự toán của công trình. Các quy định về quản lý tiến độ, chất lượng của các dự án BOT được Bộ GTVT quản lý chặt giống như các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”.


Các công trình giao thông bảo đảm chất lượng, về đích đúng tiến độ góp phần thúc đẩy KT-XHẢnh: Cienco4

Không có chuyện vào dự án BOT để chia chác

Siết chặt công tác quản lý đầu tư đối với các dự án BOT là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT trong những năm qua. Tại nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng thường xuyên yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải quản lý chặt các dự án BOT như dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ, bởi các dự án BOT cũng là tiền của người dân đóng góp thông qua hình thức mua phí sử dụng đường bộ.

Hiện thực hóa các chủ trương đề ra, ngay từ đầu năm 2014, Bộ GTVT đã thành lập các tổ rà soát về thủ tục đầu tư và dự toán xây dựng của 46 dự án BOT gồm 22 dự án trên QL1, QL14 và 24 dự án BOT trên các tuyến quốc lộ khác. Đồng thời, Bộ GTVT cũng chủ động mời kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra tiến hành thanh, kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng tất cả các dự án BOT đang triển khai để chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

“Mục tiêu của Bộ GTVT là phải đưa được những công trình hạ tầng giao thông tốt nhất vào sử dụng, góp phần phát triển KT-XH nhưng các công trình này phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhất là các dự án BOT. Không cá nhân, đơn vị nào được suy nghĩ vào các dự án BOT để chia chác, kiếm lời”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ quan điểm và yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải công khai chi phí thực tế của từng dự án BOT để người dân giám sát.

Thời gian vừa qua trong dư luận có một số ý kiến cho rằng, dự án BOT có thể khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng (Tư vấn Trường Sơn) cho biết, tổng mức đầu tư của dự án BOT được tính toán dựa trên thiết kế cơ sở và nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Thời điểm thi công, thời gian thi công, giá cả vật tư, lãi vay ngân hàng…

“Tổng mức đầu tư của các dự án BOT chỉ là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch, quản lý vốn khi thực hiện xây dựng công trình. Đồng thời, nó có vai trò là giá trị đàm phán nhằm xác định thời gian thu phí dự kiến với nhà đầu tư chứ tổng mức đầu tư không phản ánh đúng chi phí thực tế thực hiện công trình. Còn thời gian thu phí hoàn vốn chính thức của công trình được quyết định theo giá trị quyết toán của công trình khi được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.



Nguồn Báo Giao Thông

Thống kê truy cập