Thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai lập quy hoạch hệ thống đường ngang. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh (Tờ trình số 5549/BGTVT – KHĐT ngày 09/9/2011) hiện nay Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ GTVT cũng đang hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch chi tiết hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm, mục tiêu:
- Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh bao gồm các tuyến đường bộ để kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường bộ quốc gia theo trục dọc Bắc - Nam (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường bộ ven biển), các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không, các quốc lộ quan trọng và các trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của đường Hồ Chí Minh đồng thời tạo thuận lợi trong việc ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng an ninh của quốc gia;
- Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở các tuyến đường hiện có kết hợp với việc nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới một số đoạn phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải, các quy hoạch đã được phê duyệt và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có tuyến đường đi qua; đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vận tải trước mắt cũng như lâu dài và yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá;
- Quy hoạch chi tiết hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh nhằm đưa ra phương án phân kỳ đầu tư các tuyến đường ngang phù hợp với các giai đoạn của đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch được duyệt. Giai đoạn trước mắt tập trung xây dựng các đường ngang có nhu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư; giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư các tuyến còn lại;
2. Nội dung quy hoạch
a. Phạm vi quy hoạch:
Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh bao gồm 108 tuyến đường bộ để kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường bộ quốc gia theo trục dọc Bắc-Nam (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường bộ ven biển), các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không … trong phạm vi 28 tỉnh, thành phố có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau): Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh khác có tuyến quốc lộ đi qua nối với đường Hồ Chí Minh.
b) Danh mục và quy mô quy hoạch của các tuyến đường ngang:
Hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh bao gồm 108 tuyến đường bộ với tổng chiều dài khoảng 10.466 km và quy mô quy hoạch, trong đó:
- Đường cao tốc (có kết hợp một số đoạn quốc lộ) gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 1.313 km; quy mô 4-8 làn xe. Các tuyến đường này phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;
- Quốc lộ gồm 37 tuyến với tổng chiều dài khoảng 5.867 km; các quốc lộ có quy mô quy hoạch tối thiểu đường cấp III. Riêng các quốc lộ đi qua khu vực địa hình khó khăn, quy mô tối thiểu đường cấp IV miền núi phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
- Đường tỉnh và đường huyện gồm 63 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.286 km; quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
Một số đoạn cục bộ qua đô thị được mở rộng phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
c. Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Tập trung đầu tư các đường ngang cấp thiết nối đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 với quốc lộ 1A, các khu kinh tế, cửa khẩu quốc tế để phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh;
- Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020: Đầu tư nâng cấp, cải tạo các quốc lộ quan trọng và các tuyến đường tỉnh theo quy mô quy hoạch để tăng hiệu quả đường Hồ Chí Minh;
- Giai đoạn sau 2020: Tùy vào nguồn lực và nhu cầu vận tải để đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường còn lại theo quy mô quy hoạch.
d) Nguồn vốn đầu tư:
Nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh được huy động từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn huy động từ các nguồn vốn khác.
PHÒNG KỸ THUẬT DỰ ÁN