Chấp thuận thông xe Đường Hồ Chí Minh mở rộng, đoạn Tân Cảng - Ch��n Thành

26/6/2015

Đây là kết luận của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) tại Hội nghị kiểm tra, chấp thuận thông xe đoạn tuyến Tân Cảnh (Kon Tum) - Chơn Thành (Bình Phước) thuộc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường Hồ Chí Minh (QL14) diễn ra tại Đắk Lắk vào ngày 26/6.


 Góp phần giảm áp lực giao thông

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh (BQLDA), đoạn từ Km 444 + 400, QL14 (Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum) đến Km 994 + 188 (thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) thuộc khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước, có chiều dài 533km.

Năm 2014, đoạn tuyến đã hoàn thành 133km thuộc 10 dự án thành phần bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 (trong đó có 90km/8 dự án đã được HĐNTNN chấp thuận, còn lại 42,95km/2 dự án đã nghiệm thu cơ sở là đoạn Kon Tum - Pleiku 34,7km và đoạn phía Nam TP Pleiku 8,2km).

Các đoạn còn lại dài 420km, trong đó 212km/6 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 8.032 tỷ đồng và 208km/5 dự án đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư 6.044 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư đoạn tuyến này khoảng 14.251 tỷ đồng. Dự án được khởi công theo từng đoạn tuyến từ năm 2012-2014 và hoàn thành vào tháng 6/2015.

Ở dự án này, đoạn tuyến ngoài đô thị có cấp đường theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h, một số đoạn khó khăn về trắc dọc châm chước thiết kế với vận tốc 60km/h.


Đoạn qua khu đông dân cư, qua thị trấn, thị xã, thành phố theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60km/h. Hướng tuyến cơ bản bám theo QL14 hiện hữu, mở rộng 2 bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn.

Các nút giao được thiết kế dạng nút giao bằng. Nút giao cắt với các đường dân sinh được thiết kế vuốt nối đường dân sinh đảm bảo êm thuận, an toàn giao thông. Dự án xây dựng hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông và công trình phòng hộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2012/BGTVT.

Trong quá trình thi công, nhà thầu và nhà đầu tư đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng, tiến độ. BQLDA đề nghị HĐNTNN chấp thuận đưa vào khai thác 12 dự án thành phần được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thuộc dự án Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao hiện nay và giảm áp lực giao thông trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực vùng dự án đi qua.

Tại Hội nghị, đại diện các Sở GTVT tại các địa phương nơi có đường đi qua (đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền), đơn vị tư vấn giám sát cơ bản đồng ý với báo cáo của chủ đầu tư và đề nghị Hội đồng chấp thuận đưa vào khai thác 12 dự án thành phần.

Tiếp tục khắc phục tồn tại

Tổ chuyên gia Hội đồng cho biết, dự án còn một số tồn tại liên quan đến kết cấu mặt đường, hệ thống thoát nước trên tuyến, công trình cầu trên tuyến, công trình an toàn giao thông như sơn kẻ vạch, cọc tiêu, lan can phòng hộ…, tuy nhiên chưa ảnh hưởng ngay đến an toàn giao thông (ATGT) khi khai thác.

Tổ chuyên gia kiến nghị, HĐNTNN chấp thuận đề nghị chủ đầu tư, các nhà đầu tư về việc thông xe kỹ thuật toàn tuyến từ Tân Cảnh đến Chơn Thành (Km 440 + 400 đến Km 994 + 188) với điều kiện hoàn thành các giải pháp đảm bảo ATGT trên toàn tuyến. Đồng thời, có kế hoạch khắc phục các tồn tại được nêu trong phụ lục báo cáo của Tổ chuyên gia và Biên bản nghiệm thu cơ sở của các chủ đầu tư, nhà đầu tư trong thời gian 45 ngày kể từ ngày chấp thuận thông xe kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình nhất là trong mùa mưa năm 2015.

Bên cạnh đó, tổ chuyên gia kiến nghị chủ đầu tư và các nhà đầu tư cần tổ chức quan trắc, thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện các hư hỏng trong quá trình khai thác, đặc biệt tại các vị trí mặt đường bê tông nhựa có khuyết tật và có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Phối hợp chính quyền địa phương tổ chức quy hoạch xây dựng các khu dân cư dọc theo hành lang công trình, bổ sung thiết kế, tổ chức quản lý để đảm bảo an toàn và tuổi thọ công trình.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường - Phó Chủ tịch HĐNTNN nhấn mạnh: Bộ GTVT chỉ đạo chặt chẽ trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế, kiểm soát chất lượng tuyến đường này từ chất lượng mặt đường nhựa, thoát nước dọc ngang, nắn một số đoạn tuyến…

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu hoàn thiện tất cả các tồn tại trước 15/7. Sau khi đưa vào sử dụng, nếu phát hiện bất cập thì nhà thầu cần tiếp tục xử lý. Bên cạnh đó, dự án sẽ chỉ thu phí trong tháng 8/2015 khi đã hoàn thành thi công xong trạm thu phí.

Căn cứ trên các ý kiến từ BQLDA, nhà đầu tư, lãnh đạo sở, ngành, địa phương cùng ý kiến từ Tổ chuyên gia, cơ quan thường trực HĐNTNN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lê Quang Hùng biểu dương những nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng của nhà thầu, nhà đầu tư đối với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường Hồ Chí Minh (QL14).

Phó Chủ tịch Thường trực HĐNTNN kết luận: Chấp thuận thông xe toàn tuyến Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Tân Cảnh đến thị trấn Chơn Thành với điều kiện đảm bảo các điều kiện ATGT và được cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận.

Đối với 12 dự án thành phần, HĐNTNN xem xét hồ sơ 6 dự án mà Tổ chuyên gia kiến nghị và chấp thuận trước 10/7.

6 dự án còn lại sẽ xem xét nghiệm thu trên cơ sở đánh giá báo cáo của đại diện chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành xử lý khắc phục các tồn tại.



 

Báo Xây Dựng

Thống kê truy cập