Bộ Giao thông vừa phê duyệt quy hoạch trạm dừng nghỉ trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Theo đó, 57 trạm sẽ được xây mới từ nay đến 2030 với tổng diện tích 326 ha.
Các khu vực có mật độ giao thông cao mà nằm xa các khu đô thị lớn sẽ được ưu tiên xây trạm trước từ nay đến 2020, số còn lại được tiến hành trong 10 năm tiếp đó.
Trong số này, quy mô lớn nhất là các trạm Đất Mũi (Cà Mau), Buôn Ma Thuột, Chơn Thành, Đồng Xoài (thuộc Bình Phước), Túy Loan (Đà Nẵng)… với kinh phí mỗi trạm khoảng 160 tỷ đồng trên diện tích 10 ha.
|
Thiếu hệ thống trạm dừng nghỉ, sửa chữa, cứu hộ là một trong những lý do khiến các phương tiện kén chọn đường Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Đức.
|
Để giảm áp lực về vốn, quy hoạch, Bộ cho phép các trạm được đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn một, quy mô và kinh phí từ 1/3 đến một nửa tổng mức đầu tư mỗi trạm, tổng vốn ban đầu chỉ còn 2.340 tỷ đồng.
Bộ Giao thông cho biết sẽ huy động kinh phí từ nhiều nguồn như xã hội hóa qua các hình thức PPP, BOT… Các trạm ở khu vực khó khăn có thể được ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ.
Theo Bộ này, việc sớm triển khai quy hoạch sẽ nâng cao hiệu quả khai thác của đường Hồ Chí Minh cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương có tuyến đường đi qua, đồng thời tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km, đi qua 28 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.