Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1999/1999/QĐ-BGTVT ngày 11 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ban được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ “ Thay mặt chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh” theo đúng “Quy chế quản lý đầu tư & xây dựng” của Chính phủ.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167km (Trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km). Điểm đầu của tuyến đường là Pác Bó – Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi – Cà Mau.
Mục tiêu của Dự án đường Hồ Chí Minh là tạo sự liên thông, khai thác và phát triển vùng đất rộng lớn giầu tiềm năng kinh tế ở phía Tây tổ quốc; hình thành trục xuyên Việt thứ hai để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt Bắc – Trung – Nam; góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, nhằm giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước cho con cháu thế hệ mai sau.
Dự án đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/02/2007, theo đó phạm vi Quy hoạch đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được chia thành 3 giai đoạn:
* Giai đoạn 1 từ năm 2000 đến năm 2007: Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc – Hà Tây đến Tân Cảnh – Kon Tum.
* Giai đoạn 2 từ năm 2007 đến năm 2010: Nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pác Bó – Cao Bằng đến điểm cuối Đất Mũi – Cà Mau.
* Giai đoạn 3 từ năm 2010 đến năm 2020: Hoàn chỉnh toàn tuyến đường và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn.
Thành tích của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh: Được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Ban và hai Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân; được Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Bộ, Ngành tặng Cờ và Bằng khen và cho nhiều tập thể và cá nhân trong phong trào thi đua “ Bốn nhất” xây dựng đường Hồ Chí Minh./.